Theo các chuyên gia y tế, Hà Nội có thể đạt đỉnh dịch vào khoảng 2 tuần tới. Trong khi nhiều tuyến y tế cơ sở đang quá tải vì F0, các hoạt động kinh doanh, sản xuất ảnh hưởng nặng nề. Vậy Hà Nội cần những kịch bản nào trong thời gian “đỉnh dịch”?(Xem tiếp tr.12)
Không để “thả trôi”
Trong tuần qua, tình hình dịch bệnh trên cả nước vẫn đang diễn biến rất phức tạp, số ca F0 liên tục vượt đỉnh và có chiều hướng tăng mạnh. Đặc biệt, đến ngày 3/3, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 người. Theo Bộ Y tế, tổng số ca mắc cả nước hiện tại hơn 3,7 triệu ca, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới trong ngày với trung bình trên 10.000 ca F0.
Theo dự báo của các chuyên gia y tế, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội có thể “đạt đỉnh trong vòng 2 tuần tới. Đây được coi là thách thức lớn đối với hệ thống y tế TP nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp. Đặc biệt, trong thời gian qua, Hà Nội đã từng ghi nhận nhiều phản ánh về sự áp lực, quá tải của y tế cơ sở tại nhiều địa phương.
Các hoạt động kinh doanh, sản xuất cũng gặp khó khăn khi số ca F0 tăng cao; hàng loạt các trường học đóng – mở ứng phó với tình hình dịch bệnh gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học…
Trả lời PV Đại Đoàn Kết, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, số ca mắc mới tăng mạnh thời gian qua tại Hà Nội phần lớn do sự lây lan của chủng mới Omicron trong cộng đồng, đặc biệt từ sau Tết khi nhu cầu đi lại của người dân và việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch còn chưa nghiêm túc.
Chuyên gia Trần Đắc Phu nhấn mạnh, sự lây lan của dịch bệnh là điều khó tránh khỏi. Chúng ta chấp nhận nhưng không vì vậy mà “thả trôi”, mặc kệ cho dịch lây lan.
Theo đó, Hà Nội nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung cần chú ý phòng bệnh cho tốt vì số ca mắc quá cao sẽ làm quá tải hệ thống y tế vốn đã gặp rất nhiều áp lực thời gian qua. Do vậy, Hà Nội cần nghiêm túc chuẩn bị cả về nhân lực y tế lẫn cơ sở điều trị,…càng sớm càng tốt. Trong đó, việc phân tầng điều trị đã được thành phố thực hiện tốt thời gian vừa qua nay cần được phát huy để hạn chế các ca chuyển biến nặng và nguy cơ tử vong cao khi đỉnh dịch tới gần.
Để làm được điều này, theo ông Phu cần tăng cường lực lượng tư vấn sức khoẻ cho bệnh nhân như thầy thuốc đồng hành, tư vấn online, huy động sinh viên ngành y, y bác sĩ đã về hưu…tham gia vào đội ngũ này.
Ngoài ra, các loại vật tư y tế, thuốc chữa bệnh cũng cần được thành phố xem xét và chuẩn bị cho thời gian sắp tới, tránh để xảy ra tình trạng khan hiếm, cháy hàng các loại thuốc cần thiết.
Tập trung đối tượng nguy cơ cao
Đồng tình với quan điểm trên, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, số ca mắc thực tế mỗi ngày tại Hà Nội thời gian gần đây có thể lớn hơn nhiều lần so với công bố. Bởi rất nhiều người dân không thực hiện khai báo y tế hoặc không liên hệ được với y tế cơ sở, do quá tải nên không kịp cập nhật số liệu trên hệ thống.
Mặc dù nhận định đỉnh dịch có thể đạt tới trong khoảng 2 tuần nữa nhưng theo chuyên gia, rất khó xác định con số cụ thể là bao nhiêu. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng, Hà Nội vẫn cần tập trung vào các đối tượng ưu tiên như người già, người có bệnh nền để hạn chế tối đa khả năng chuyển nặng và tỉ lệ tử vong.
Theo đánh giá của chuyên gia, khi đỉnh dịch tới gần, việc đếm số ca mắc theo ngày sẽ không còn nhiều ý nghĩa, thay vào đó, điều trị cho những người chuyển nặng và nguy cơ cao phải đặt lên hàng đầu. Những người đã tiêm đủ vaccine và mắc bệnh mà không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể không cần quá quan tâm đến số lượng. Tiến tới dần coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu thông thường, chỉ những trường hợp nặng mới cần đến sự vào cuộc của y tế.
Bàn về giải pháp khi F0 đạt đỉnh, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nhấn mạnh, công tác tư vấn, hỗ trợ từ xa đối với các bệnh nhân mắc Covid-19 thực hiện cách ly, điều trị tại nhà là vấn đề cần quan tâm nhất khi Hà Nội bước vào đỉnh dịch. Ngoài giải đáp, tháo gỡ các thắc mắc liên quan đến vấn đề xác nhận F0, xác nhận khỏi bệnh…, lực lượng này còn tham gia vào quá trình đánh giá tình trạng bệnh, thông tin đến việc chuyển tầng, nhập viện điều trị khi cần. Đặc biệt là các hướng dẫn về việc tự điều trị, cách ly, sử dụng thuốc sao cho đúng,… rất cần thiết, không để F0 lúng túng.
Ngoài ra, Hà Nội cũng cần chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất cũng như con người để điều trị các trường hợp chuyển nặng nếu như con số này gia tăng khi đạt đỉnh dịch. Hiện nay, số giường bệnh của Hà Nội đã đạt khoảng 70% năng lực điều trị, do vậy thời gian này TP cần huy động thêm nguồn lực từ các bệnh viện tư nhân cũng như Trung ương tham gia vào công tác tiếp nhận, thu dung những bệnh nhân chuyển nặng.
Cùng với đó, khi đã dự trù số lượng giường bệnh tăng lên, các phương tiện phòng, chống dịch cũng như thuốc men điều trị cũng cần được lên phương án chuẩn bị kĩ càng, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị để không xảy ra quá tải.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, người dân tuyệt đối không có tâm lý chủ quan, coi thường, “đằng nào cũng F0”. Dù hiện nay hầu hết mọi người đã được tiêm phòng vaccine nên khi mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên hậu quả do Covid-19 để lại là khôn lường. Do vậy, cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc 5K, hạn chế khả năng lây lan của dịch bệnh.