Năm 2017 được dự báo sẽ là một năm nhiều cơ hội đối với các doanh nghiệp (DN) khi “quyền” được trao nhiều hơn. Các DN sẽ phải chuẩn bị những hành trang gì, và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tác động thế nào tới DN? Ông Nguyễn Xuân Dương- Chủ tịch Hiệp hội DN Dệt may tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dệt may Hưng Yên đã chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
Ông Nguyễn Xuân Dương.
PV:Thưa ông, Chính phủ rất khuyến khích, hỗ trợ DN, trong đó có DN tư nhân. Ông nhận định ra sao về vấn đề này?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Về mặt tư tưởng là rất hợp lý, phù hợp với xu hướng phát triển chung. Song từ tư tưởng đến chính sách đều phải có việc làm cụ thể, và do đó thường có độ trễ, sự chuyển biến cần phải có thời gian. Ví dụ, nói bỏ giấy phép con, nói là như vậy nhưng vẫn chưa bỏ hết được.
Với các hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết, theo ông, năm 2017 này, triển vọng quốc tế của DN ngành dệt may ra sao?
- Theo tôi, chắc sẽ chưa có TPP. Nhưng ngành dệt may không quá lo lắng. Trong hơn một thập kỷ qua, ngành này đã theo cơ chế thị trường và đã sống tốt.
Vì thế, TPP nếu có, chúng ta sẽ được hưởng lợi về thuế. Nhưng đổi lại chúng ta phải đáp ứng được các quy chuẩn về xuất xứ mà điều này đối với các DN Việt là khó.
Song, nếu không có TPP các DN nước ngoài là đối tượng đáng lo nhất. Tôi tin rằng, trong năm 2017 tới đây, DN dệt may Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn.
Nhìn lại năm 2016, do nghĩ là có TPP, nhiều DN nước ngoài đã tăng đầu tư vào một số lĩnh vực và họ dành một số thị phần từ DN Việt sang tay họ.
Trong năm 2017 họ sẽ phải chững lại vì nói cho cùng, khi đầu tư vào Việt Nam, họ mong muốn có hiệu quả, mà khi không có TPP, thì những đầu tư đó coi như “con số 0”.
Mà không hiệu quả thì phải bán đi. Chúng tôi đã từng mua một DN nước ngoài khi họ thấy làm ăn không hiệu quả ở Việt Nam và xu hướng năm tới được dự báo sẽ như vậy. Chúng ta cần phải chuẩn bị cả vốn và nhân lực để có thể mua lại những DN đó.
Hội nhập, các DN Việt Nam sẽ phải đối diện với cả cơ hội và thách thức, theo ông các DN Việt phải làm gì để có thể nâng sức cạnh tranh?
- Tôi cho rằng, cần phải từ cả hai phía: Nhà quản lý- người làm chính sách và bản thân DN. Phía nhà làm chính sách, cần phải tạo những lối đi thông thoáng để hỗ trợ, tạo động lực cho cộng đồng DN phát triển, phải xóa bỏ những rào cản về thủ tục hành chính đang ngáng chân DN.
Còn về phía các DN, cần phải xác định, đã bước chân vào thương trường là phải dấn thân, phải “chiến đấu”, đừng bao giờ nghĩ mình nhỏ mình không làm được.
Nhỏ thì phải tìm thị trường ngách để phát triển. Ví dụ Samsung có hơn 40 sản phẩm có thể sản xuất tại Việt Nam, trong khi đó DN Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm phụ trợ để giúp cho cả một thành phẩm của họ. Đừng e ngại bất cứ điều gì, kể cả việc phải bán cổ phần.
Tổng công ty May Hưng Yên chúng tôi cũng đã từng cổ phần hóa cách đây 11 năm và từ đó đến nay, lợi nhuận đã tăng gấp 5,7 lần. Thu nhập người lao động tăng gấp 4 lần. Lợi ích rõ ràng là như thế quan trọng là DN có dám làm không thôi.
Từ thực tế của DN dệt may nói riêng, ông nhìn nhận thế nào về lợi ích của tái cơ cấu?
- Tái cơ cấu là trao quyền cho DN. Thay vì việc chờ Nhà nước cho ý kiến, cái gì cũng xin ý kiến, DN mất hết cơ hội. Do đó, tái cơ cấu, DN có quyền quản trị.
Từ đó lãnh đạo các DN có quyền quyết định phương án sản xuất kinh doanh. Trước kia Nhà nước chỉ định về phương án sản xuất, giá bán sản phẩm thế nhưng giờ DN làm theo thị trường, thị trường cần cái gì, ta làm cái đó. Tôi nghĩ đó là xu hướng chung của cơ chế thị trường, và muốn phát triển, tất yếu phải đi theo xu hướng đó.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra. Nhiều ý kiến cho rằng máy móc, robot sẽ thay thế lao động. Với ngành dệt may đang có lực lượng lao động đông đảo nhất, cuộc cách mạng công nghiệp lần này sẽ tác động thế nào đến ngành dệt may, theo ông?
- Tôi cũng đã nghe nhiều người nói về những nguy cơ, lo ngại đối với ngành dệt may. Nhưng tôi nghĩ rằng, robot không thể thay thế toàn bộ con người.
Robot có thể thay thế con người chỉ ở một số công đoạn nhất định, làm sao mà thay thế hết được từ A-Z. Riêng với lĩnh vực thời trang dệt may, chúng ta đều biết, không ai thích mặc giống ai cả.
Người thích kiểu áo này, người thích kiểu áo kia. Người thích dáng quần này, người lại thích dáng quần kia. Robot chỉ có thể dập khuôn một loại sản phẩm mà riêng với thời trang thì không chấp nhận sự dập khuôn, nhàm chán.
Tôi cho là, kể cả ở thời điểm thịnh nhất thì robot cũng chỉ có thể thay thế 30% công đoạn dệt may. Còn lại 70% công đoạn vẫn cần bàn tay của con người.
Trong thời gian tới đây, vẫn còn có đến 2,8 triệu lao động ngành dệt may có cơ hội tham gia sản xuất. Do đó hoàn toàn không quá lo ngại robot hay cuộc cách mạng công nghiệp .
Trân trọng cảm ơn ông!