Kinh tế

Khi doanh nghiệp xuất khẩu 'đói' thông tin

T.Hằng 29/10/2024 10:01

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chưa khai thác hết tiềm năng trong khi nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) cũng như việc đa dạng hóa thị trường cho các doanh nghiệp công nghiệp vẫn gặp khó.

tren.jpg
Cập nhật thông tin thị trường là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp định hướng kinh doanh, xuất khẩu. Ảnh: Quang Vinh.

Doanh nghiệp trong nước nặng về gia công

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang chiếm gần 40% tổng doanh thu thuần sản xuất của nền kinh tế. Chính phủ đã xác định các mục tiêu cụ thể về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 gồm 23 chỉ tiêu; trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt hơn 25%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Những chỉ tiêu này cho thấy, công nghiệp chế biến chế tạo được xác định là một trong những yếu tố tạo động lực tăng trưởng của giai đoạn tới, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và yêu cầu phát triển thực tế; sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ. Các DN trong nước chưa tham gia sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các DN đầu chuỗi và DN nước ngoài. Khó khăn nhất trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là DN trong nước nặng về gia công, chế biến, phụ thuộc vào DN có vốn đầu tư nước ngoài, thiếu nguồn lực, thiếu nguyên liệu đầu vào, đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Dưới góc độ DN, ông Cao Văn Hùng - Giám đốc phát triển thị trường quốc tế Cơ khí chính xác Smart Việt Nam cho rằng, các đối tác nước ngoài yêu cầu rất cao về chất lượng, cần DN phải biết kết nối với những bên liên quan để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm những đơn vị có cùng tư duy xuất khẩu, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu cao là một việc rất khó khăn. Chưa kể hiện nay các DN Việt Nam rất yếu về nội lực, thiếu thông tin từ các thị trường, thông tin khách hàng và thiếu cả thông tin chính sách khiến cho nhiều DN khó. Mà nguyên nhân chính là do DN chưa chủ động tìm hiểu, chủ động kết nối trực tiếp với các đối tác, khách hàng tại các thị trường quốc tế. Từ đó, việc có được một đơn hàng mất rất nhiều thời gian, thậm chí có thể giảm lợi nhuận khi bắt tay qua đơn vị thứ ba để tìm kiếm khách hàng.

DN Việt Nam cần trực tiếp tìm hiểu thị trường

Số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Công thương cho biết chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng tăng tới 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,6%). Trong khi đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm ngày 30/9 tăng 5,2% so với cùng thời điểm tháng trước và chỉ tăng 8,5% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng tới 19,4%). Tiềm năng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp là có nhưng cần phải được khai thác mạnh hơn nữa.

Ông Cao Văn Hùng - Giám đốc phát triển thị trường quốc tế CTCP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam đề xuất Chính phủ, bộ, ngành, hiệp hội cần hỗ trợ DN thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường khó tính như thường xuyên tổ chức các hội thảo, diễn đàn, triển lãm để DN có cơ hội được cập nhật thông tin về thị trường, đối tác và các cơ hội kinh doanh mới.

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), quan trọng là các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường hoạt động kết nối DN, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của nhau đồng thời DN cần tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới.

Đặc biệt, các DN, hiệp hội ngành hàng cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tìm kiếm các đơn hàng và khách hàng mới. Tích cực hơn trong việc phối hợp với các DN trong ngành, các hiệp hội và cơ quan nhà nước để tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu mới bên cạnh các thị trường truyền thống, giảm áp lực tồn kho.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ DN khôi phục sản xuất kinh doanh. Bộ sẽ tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư từ nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp. Từ đó, đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các DN có vốn đầu tư nước ngoài có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các DN trong nước nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi doanh nghiệp xuất khẩu 'đói' thông tin