Thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Tiktok... xuất hiện nhiều video bạo lực với những ngôn từ tục tĩu ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Trước đó, đã có trường hợp bị xử lý hành chính, song dường như chưa đủ sức răn đe...
Tái diễn
Trong thời buổi công nghệ số hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người dùng có thể tự sản xuất những video với nội dung của riêng mình. Đặc biệt với việc kiếm tiền dễ dàng trên nền tảng Tiktok, Youtobe càng thúc đẩy nhiều người tham gia.
Bên cạnh những video được đầu tư kỹ về hình ảnh, âm thanh đặc biệt là nội dung thì có nhiều clip dung tục, phản cảm được đăng tải với mục thu hút càng nhiều lượt xem càng tốt. Thời gian gần đây, nhiều người đã liên tục livestream, cố tình tạo mâu thuẫn, kịch tính, công kích chửi bới nhau, thách đấu trên mạng xã hội. Những đoạn livestream lại được các tài khoản khác cắt ghép để chia sẻ đăng phát thu hút lượng lớn người xem.
Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia tội phạm học - Thượng tá Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) cho biết, hiện tượng “giang hồ mạng” đã từng rộ lên một thời kỳ và tạm lắng một thời gian, song gần đây lại rộ lên. Các clip những đối tượng giang hồ đưa lên không gian mạng đều là những clip phản ánh về sinh hoạt trong thế giới ngầm, thế giới tội phạm hoặc cổ vũ cho lối sống ngang tàng bất tuân pháp luật. Nó gây tác hại đối với đời sống văn hóa xã hội.
“Mặc dù nhiều đối tượng đã bị xử lý nhưng hiện tượng “giang hồ mạng” vẫn không dừng lại mà có xu hướng tái diễn như thời gian gần đây, là do mục đích của những đối tượng sản xuất ra những video đó để làm thương hiệu, hình ảnh cá nhân. Cùng với đó khi những ấn phẩm (video) đó được đông người truy cập, người xem thì được nhà mạng trả tiền” - Thượng tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), nhiều kênh truyền thông riêng của những “giang hồ mạng” được xây dựng với ý đồ và chiến lược thu hút khá bài bản. Nhiều câu nói, những hành vi lệch chuẩn được sử dụng để quảng bá văn hóa giang hồ không giống ai. Tuy nhiên nhiều người lại tỏ ra thích thú và theo dõi. Những câu nói tục tĩu được phát trực tiếp lại được cắt ra để đưa vào video khác với mục đích tăng sự thu hút. Khi phát trực tiếp trên nền tảng xã hội thì những ngôn ngữ, thái độ không thể kiểm soát. Tất cả những điều đó là hành vi thiếu lành mạnh.
Tác động xấu đến thế hệ trẻ
Mạng xã hội được giới trẻ rất ưa thích. Tuy nhiên, nếu giới trẻ dùng mạng xã hội mà không kiểm soát những thứ mình xem để rồi bắt chước, cổ vũ và xem những nhân vật “giang hồ mạng” là thần tượng, sẽ khó tránh khỏi việc sa ngã, đi vào con đường vi phạm pháp luật. Ngoài ra, những video phản cảm của các “giang hồ mạng” có lẽ cũng là một phần nguyên nhân tác động đến giới trẻ gây ra tình trạng bạo lực học đường.
Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, "giang hồ mạng" tác động tiêu cực lên quá trình hình thành nhân cách của giới trẻ. Ban đầu những người trẻ có thể cổ vũ tán dương và sau đó sẽ bắt chước. Đặc biệt càng những video nhiều người theo dõi càng gây ra hiệu ứng tò mò. Từ đó cổ vũ cho một lối sống vô pháp của những đối tượng không coi trọng các kỷ cương trật tự pháp luật. Từ việc bắt chước có thể dẫn đến làm theo. Đây là một xu hướng khá nguy hiểm, làm lệch lạc thẩm mỹ của người trẻ, từ đó có thể chuyển hóa thành những hành vi coi thường pháp luật và gây ra lối sống tôn thờ bạo lực trong sinh hoạt.
“Những hiện tượng tiêu cực này cần phải được ngăn chặn, lên án phê phán. Những đối tượng phát tán những video có nội dung xấu độc, bạo lực cần phải xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật. Đặc biệt tăng cường tuyên truyền cho giới trẻ nâng cao khả năng phản biện chống lại sự lây nhiễm của những thông tin xấu độc, biểu hiện lệch lạc” - ông Hiếu nói.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, những video xấu độc nói chung và những video của “giang hồ mạng” như những con virus lây lan mạnh. Giới trẻ là những người rất quan tâm đến chuyện này, thậm chí người ta ngồi hàng giờ, hàng ngày để theo dõi và chia sẻ. Trước hết nó sẽ tác động vào tâm lý, hình thành nên các quan điểm. Từ quan điểm xã hội, từ tâm lý thông thường sẽ hình thành nên những nhân cách sống.
Ông Nhưỡng cũng đã chỉ ra nguyên nhân của việc tồn tại những “giang hồ mạng” khẩu chiến trên mạng xã hội trước tiên phải xét đến ý thức pháp luật còn chưa cao. Ông Nhưỡng cho rằng, vấn đề này liên quan đến giáo dục phổ biến pháp luật, công tác tuyên truyền, giáo dục từ nhà trường đến gia đình, xã hội cần phải bàn và sớm khắc phục.
Đừng để giá trị ảo biến thành hệ lụy thật
Các “giang hồ mạng” đưa nhiều clip lên mạng không phải không có lý do, vừa khẳng định “thương hiệu” của bản thân, vừa kiếm được nhiều tiền do các nhà phát triển ứng dụng trả, có người kiếm được vài trăm triệu đồng một tháng chỉ riêng từ kênh Youtube. Tuy nhiên, hệ lụy khi các clip này đưa lên mạng xã hội vô cùng nguy hiểm. Không ít cư dân mạng, nhất là các bạn trẻ lại chào đón, tung hô các sản phẩm độc hại này khi mỗi clip có khi ghi nhận từ vài trăm nghìn đến cả triệu lượt like, comment, còn chủ nhân clip có hàng trăm, hàng nghìn folower. Bởi vậy, các chuyên gia văn hóa cho rằng, hãy tỉnh táo đừng để những giá trị ảo trên mạng biến thành hệ lụy thật ở ngoài đời.
Luật sư Hoàng Tùng - Đoàn luật sư TP Hà Nội:
Cần xử lý và tiếp nhận có chọn lọc
Các video kiểu “giang hồ mạng” rất phản cảm và mang tính bạo lực, thiếu văn hóa, song vẫn thu hút được cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ. Có không ít bạn trẻ tung hô, cổ xúy, thậm chí là thần tượng những "giang hồ mạng" này. Việc giới trẻ tiếp cận mạng xã hội hiện nay rất nhiều nhưng việc sàng lọc thông tin trên mạng xã hội lại chưa được định hướng.
Để khắc phục tình trạng nêu trên thì các cơ quan chức năng, trong đó có trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc phối hợp thực hiện. Chúng ta đã có Luật An ninh mạng và nhiều luật liên quan khác thì cũng phải thường xuyên rà soát, kiểm tra những vấn đề bất cập trong hệ thống luật pháp; xem xét những quy định có phù hợp hay không. Cơ quan có trách nhiệm phải rà soát để có sửa đổi kịp thời nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật theo kịp sự phát triển của xã hội.
Tiếp đó, cũng cần nghiên cứu để có những bộ lọc trong trường hợp có những thông tin, livestream đưa lên những hình ảnh phản cảm, không đạt chuẩn để kiểm soát và phát hiện kịp thời... Bên cạnh sự nỗ lực của nhà quản lý trong việc kiểm soát ứng dụng, mỗi người dùng cần tự rèn cho mình ý thức trách nhiệm với những gì chúng ta đang xem.