Khi 'hoa' bị chìm bởi 'cỏ'

Trần Tà My 08/05/2016 09:10

Văn học nghệ thuật là một khu vườn mà ở đó trăm hoa khoe sắc, mỗi loài đều có vẻ đẹp riêng. Song, dường như vẫn giống Nguyễn Trãi từng “than”: “Hoa thường hay héo cỏ thường tươi”, sự đua chen dẫn đến việc những giá trị thật lại bị lu mờ bởi cái ảo.

Khi 'hoa' bị chìm bởi 'cỏ'

Bộ phim “Vòng eo 56” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng xoay quanh cuộc đời
của người mẫu Ngọc Trinh vừa ra mắt đã tạo nhiều ý kiến trái chiều.

Cơm áo không đùa với... đam mê

Rất khó để thống kê một cách cụ thể có bao nhiêu sinh viên các ngành văn hóa nghệ thuật ra trường sẽ theo đuổi đam mê tới cùng, dấn thân với con đường mình đã chọn. Bởi lẽ, nhà trường chỉ có trách nhiệm đào tạo, chắp nối những đôi cánh cho ước mơ bay xa, còn bay về chân trời nào, bay cao hay bay thấp, bay theo đường hướng nào lại do nỗ lực và sự lựa chọn của bản thân mỗi người. Mỗi năm có bao nhiêu lứa sinh viên viết văn, biên kịch, đạo diễn, họa sĩ, vũ công… ra trường nhưng sẽ có rất nhiều người rẽ sang lĩnh vực tương đương nghệ thuật hoặc bán chuyên nghiệp như viết báo, truyền thông, quảng cáo, thợ chép tranh, thậm chí cả là bán gói cước công nghệ trên điện thoại cũng là điều chẳng có gì lạ. Âu cũng là bởi “Cơm áo không đùa với khách thơ”, không sống nổi bằng nghề thì phải tìm cách tồn tại trước đã.

Bởi thế, rất nhiều người đặt ra câu hỏi rằng Việt Nam đâu có thiếu trường đào tạo mọi loại hình nghệ thuật. Từ đàn ca sáo nhị, sáng tác âm nhạc, viết văn, múa, sân khấu, điện ảnh đến hội họa; từ sáng tác đến phê bình, từ thực hành đến lí luận… Mỗi năm có biết bao lứa sinh viên mới ra trường mà tại sao điện ảnh Việt Nam vẫn phải mua phim ngước ngoài về chiếu rạp, khán giả Việt Nam vẫn bị “đoạt hồn” bởi phim Hàn, phim Ấn, phim Thái…, các nhà xuất bản Việt Nam vẫn phải “nhập siêu” xuất bản phẩm ở nước ngoài về và không nhiều các tác giả Việt Nam thực sự ghi danh vào tác giả best-seller? Đành rằng văn học nghệ thuật Việt Nam đã có những đỉnh cao, song dường như đỉnh cao ấy thuộc về thế hệ đi trước, còn lứa văn nghệ sĩ trẻ chưa thực sự tạo nên những cú bứt phá ngoạn mục?

Đó là câu hỏi rất khó trả lời một cách rành rẽ. Tất nhiên, không phải ai hoạt động nghệ thuật cũng ngay lập tức đạt đến đỉnh cao. Trong khu rừng nghệ thuật sẽ có những cây cao vút nhưng phải chấp nhận rằng có nhiều cây vừa vừa, rất nhiều cây thấp và vô vàn những cây dây leo và cả cỏ dại. Như thế mới tạo nên rừng và có sự đa dạng. Vấn đề là, khi những cây cao thấy mình đã cao hơn những cây khác và những cây thấp nghĩ rằng mình có cố cũng chẳng vượt qua nổi ai, điều đó mới tạo nên sự thụt lùi, tụt hậu.

Cần những bàn tay dọn “cỏ”

Dù vậy, khán giả vẫn có quyền đòi hỏi và hi vọng nhiều hơn nữa những ngôi sao trong lòng họ. Ngôi sao ấy sẽ tỏa sáng trên đất nước mình và ánh sáng vượt qua cả biên giới, đến với bạn bè năm châu để cái tên Việt Nam cũng được xướng lên đầy tự hào. Giới trẻ, dù ít kinh nghiệm thực tế nhưng lại có vô vàn những thuận lợi như nhanh nhạy, làm chủ công nghệ, dễ tiếp thu sự tiến bộ của thế giới và tràn đầy nhiệt huyết cũng như sức sáng tạo, sức trẻ.

Thực tế cho thấy, thời chưa xa đã có rất nhiều văn nghệ sĩ “làm nên chuyện” từ khi còn rất trẻ. Liên tục trong những năm trở lại đây, nhiều ca sĩ, nhiếp ảnh gia, đạo diễn… cũng đoạt được những giải thưởng trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng một bộ phận các văn nghệ sĩ trẻ đang tạo nên một nền văn học nghệ thuật của riêng thế hệ mình, đúng là có bản sắc riêng, nhưng bản sắc ấy lại nghiêng theo hướng thị trường, tức là về bề nổi nhiều hơn. Điều này dẫn đến việc rất nhiều các nhạc sĩ đã sáng tác ra những ca khúc với giai điệu và ca từ nhợt nhạt, hời hợt, quẩn quanh thậm chí ngang phè, chối tai. Rất lạ lùng rằng nhiều ca sĩ trẻ thích hát những bài hát như thế và bộ phận đông khán giả trẻ cũng hâm mộ cuồng nhiệt các ca sĩ này. Nó khiến sân khấu ca nhạc rộn ràng nhưng chỉ mang tính thời vụ, vì bản thân những ca khúc “mì ăn liền” này chỉ có sức sống èo uột và “một đi không trở lại” khi trào lưu đi qua. Có nghĩa là, thị trường âm nhạc khi bùng nổ với những bài hát ấy sẽ mãi dàn trải theo chiều ngang, không hề có chiều sâu, không tồn tại nổi với thời gian chứ đừng nói gì đến đỉnh cao. Cộng với nó là việc các ca sĩ nhiều khi chả cần giọng hát xuất sắc, chỉ cần ngoại hình đẹp, ăn mặc gợi cảm, biết nhiều vũ đạo, lắc lư uốn éo là đã có một đám đông cổ vũ nhiệt liệt.

Ở lĩnh vực phim ảnh, không ít bộ phim “hài nhảm”, yêu đương sến súa liên tiếp trình làng. Diễn viên chẳng cần đọc kĩ kịch bản, không cần thuộc lời thoại và “chạy sô” hùng hục, phim này chưa đóng máy đã vội vã chạy sang phim khác nên thiếu đầu tư cho vai diễn. Mà có đòi hỏi đầu tư cũng không được, vì họ đang cần đóng nhiều phim để… nổi tiếng. Hơn nữa, kịch bản các phim cũng… na ná như nhau, cũng là yêu đương tay ba tay tư, không phải tiểu thư nhà giàu đua đòi thì cũng là con gái nhà nghèo biết phấn đấu vươn lên, rồi gây mâu thuẫn rồi trả thù… Nếu khán giả có chán, có kêu thì chuyển sang mua bản quyền của Hàn Quốc, dựng lại y nguyên cho nó hợp khẩu vị mà lại… an toàn.
Trong khi đó các lớp đào tạo ca sĩ, diễn viên mọc lên như nấm, khiến người trẻ đổ xô đi học rồi không được định hướng cụ thể nên nhiều diễn viên, ca sĩ thích chạy theo bề nổi, đóng phim hát hò nhạc thị trường mong nổi tiếng kiểu “ăn xổi”. Có những diễn viên, ca sĩ rất tiềm năng nhưng vì mải chạy theo thị trường mà không phát huy hết sức của mình, làn nhiễu loạn lĩnh vực nghệ thuật.

Với văn học, giờ đây có chiều hướng cầm chừng và ít có những tác phẩm nổi trội.

Tất nhiên, những gì bề nổi, những ai sống theo kiểu “ăn xổi”, chẳng chóng thì chày cũng sẽ bị đào thải để những giá trị sẽ tồn tại mãi. Song, khi cỏ rác tốt bời bời thì hoa đẹp sẽ phần nào bị che khuất đi. Cần lắm những bàn tay thu dọn bớt cỏ để hoa được phát tiết hương thơm và sự rực rỡ của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi 'hoa' bị chìm bởi 'cỏ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO