Dự án “Công dân giám sát đất đai” do chương trình Quản trị đất đai sông Mekong (MRLG) tài trợ nhằm mục đích hỗ trợ người dân tham gia giám sát quá trình thực thi chính sách đất đai ở địa phương. Xã Sơn Thọ (Vũ Quang, Hà Tĩnh) là 1 trong 3 điểm thí điểm thực hiện mô hình công dân giám sát đất đai. Với sự tham gia của hệ thống Mặt trận, mô hình tại Hà Tĩnh đã góp phần xây dựng cẩm nang hướng dẫn các bước và quyền của người dân trong việc giám sát đất đai.
Quang cảnh hội thảo.
Thiết thực với dân
Sáng 26/1, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và Phát triển (Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên & Môi trường) tổ chức hội thảo tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm Dự án “Công dân giám sát đất đai tại Việt Nam - Mô hình giám sát tại Hà Tĩnh”. Hội thảo nhận được rất nhiều ý kiến đến từ những công dân trực tiếp tham gia giám sát ở xã Sơn Thọ cũng như cơ quan chức năng.
Tháng 2/2017, dự án bắt đầu được thực hiện thí điểm ở 2 thôn (thôn 2 và thôn 7) của xã Sơn Thọ. Nội dung giám sát chủ yếu về những bất cập khiến việc cấp phát sổ đỏ gặp khó khăn. Đó là quá trình xác minh nguồn gốc đất đai, đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang có nhiều sai sót. Người dân đã có những bức xúc và kiến nghị lên chính quyền địa phương cấp xã, tuy nhiên người dân vẫn chưa được hỗ trợ giải quyết và phản hồi tích cực từ phía địa phương, vì thế bà con chưa hiểu hết quyền được tiếp cận thông tin và gửi kiến nghị đến các cấp chính quyền địa phương phản hồi và giải quyết.
Phương án được thực hiện dự án tại Sơn Thọ là thành lập 2 nhóm giám sát cộng đồng được dựa trên sổ tay thí điểm về hướng dẫn công dân giám sát quản lý sử dụng đất đai, mỗi nhóm 12 thành viên. Trong đó, có thành viên đại diện hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh cấp thôn, 2 thành viên của MTTQ cấp xã và 1 đại diện MTTQ cấp huyện theo dõi, hỗ trợ giám sát.
Tại xóm 2, nhóm giám sát đã thu thập thông tin của 7 hộ dân về các nội dung thu thuế, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu thập thông tin cơ bản quy hoạch và giá đất tại các cấp chính quyền. Trong đó trực tiếp hỗ trợ cho 2 hộ (Phạm Ngọc Ân và Phạm Văn Hải) liên quan đến đối tượng hộ và mức thuế khi chuyển đổi sang đất ở. Nhóm đã làm việc với địa chính xã, ban Văn hóa – lao động – thương binh – xã hội xã rà soát tìm hiểu thông tin về nguồn gốc đất và đối tượng hộ tại thời điểm các hộ làm hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất để được cấp sổ đỏ. Ngày 28/11/2017, nhóm giám sát đã hỗ trợ hộ gia đình ông Phan Duy Sơn và Phạm Ngọc Ân tiến hành viết đơn và nộp lên cơ quan chức năng. Với ông Phan Duy Sơn, Phòng Tài nguyên môi trường huyện Vũ Quang đã tiếp nhận và có giấy xác nhận là nhận đơn thư kiến nghị của hộ gia đình và hẹn thời gian giải quyết.
Tại xóm 7, nhóm đã tìm hiểu thông tin về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 50 hộ dân và sàng lọc được 36 hộ đang có vấn đề liên quan đến thủ tục cấp đất và hiện đang hỗ trợ cho 6 hộ giải quyết vấn đề mà các hộ đang vướng mắc.
Từ những hoạt động của 2 nhóm giám sát, hiện nay chính quyền xã Sơn Thọ đã tiếp nhận và kiểm tra giải quyết cho các hộ có đơn thư khiếu nại. Trong đó, đã xử lý cho 3 hộ, cấp lại sổ đỏ cho hộ ông Trần Văn Quyết, Trần Văn Thăng, Nguyễn Văn Thịnh. Phòng TNMT huyện Vũ Quang đã tiếp nhận và có giấy xác nhận là nhận đơn thư kiến nghị của hộ gia đình ông Phạm Ngọc Ân và hẹn thời gian giải quyết. Ủy ban MTTQ huyện Vũ Quang đã có công văn gửi Phòng Tài nguyên môi trường trả lời giải quyết cho 29 hộ tại thôn 7.
“Mổ xẻ” kinh nghiệm
Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến của các đại biểu, qua đó đưa ra được những bài học kinh nghiệm sâu sắc đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị thiết thực.
Theo ông Châu Văn Huệ (Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và Phát triển), MTTQ từ cấp tỉnh đến huyện, xã, thôn được xác định vai trò chủ đạo thực hiện hỗ trợ, tư vấn và kết nối giữa người dân với chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn trong việc giải quyết các khiếu kiện, khiếu nại của người dân, nhóm giám sát. Tuy nhiên, tính chủ động của các nhóm giám sát trong việc xây dựng kiến nghị và gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng đề xuất hỗ trợ để giải quyết vẫn còn chậm. Sự tham gia hỗ trợ của các bên liên quan như MTTQ còn bị động và mờ nhạt.
Rút kinh nghiệm từ quá trình giám sát, ông Nguyễn Minh Bình (nhóm giám sát thôn7, xã Sơn Thọ) đề nghị: Thời gian qua, nhóm rất sát sườn với những bất cập trong vấn đề đất đai của người dân. Qua đó cũng cho thấy tồn tại là hiểu biết của người dân còn hạn chế nên thiệt thòi trong quyền lợi. Rất cần những cuộc tập huấn chuyên biệt về luật đất đai, các quy định, thủ tục pháp lý để người dân tiếp cận kiến thức tốt hơn.
Đại diện MTTQ huyện Vũ Quang, bà Huỳnh Thị Ngọc cho rằng, dự án có rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, cần phải tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia giám sát lĩnh vực quản lý đất đai để giảm thiểu việc khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Ghi nhận những thành quả của mô hình thí điểm tại Hà Tĩnh, ông Nguyễn Cao Sâm - Trưởng phòng đăng ký thống kê, Sở TNMT Hà Tĩnh nhận định: Dự án đã phát huy được vai trò của ban Công tác Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và huy động được nhiều người dân tham gia giám sát lĩnh vực đất đai. “Các nhóm giám sát đã đạt được nhiều kết quả hơn cả mong đợi. Những kết quả bước đầu của dự án rất có ý nghĩa. Sau khi thí điểm, chúng tôi nhận thấy Mặt trận cần đứng ra chủ trì, điều hành, hướng dẫn hoạt động giám sát, cần xác định thời gian giám sát theo định kỳ để hiệu quả hơn. Đồng thời cần đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành sổ tay giám sát hoàn thiện để làm công cụ thực hiện giám sát. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao hiểu biết về các quy định, thủ tục đất đai cho người dân thì hiệu quả của dự án sẽ cao hơn nữa”, ông Sâm nói.
Hội thảo cũng nhận được những ý kiến đồng thuận từ các địa phương thực hiện thí điểm dự án (Hòa Bình, Cần Thơ) và kiến nghị cần triển dự án một cách khai sâu rộng, bài bản.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Bùi Nhân Sâm khẳng định: Khi thực hiện dự án trên địa bàn xã Sơn Thọ, một mặt góp phần nâng cao nhận thức pháp luật về đất đai, nâng cao kỹ năng giám sát đất đai của cộng đồng, mang lại quyền và lợi ích chính đáng cho người dân. Giúp chính quyền địa phương phát hiện sai sót để chỉnh sửa phù hợp.
Dự án công dân tham gia giám sát trong quản lý và sử dụng đất đai có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thông qua dự án giúp đưa tiếng nói của người dân đến các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó để có sự cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp, tạo sự đồng thuận, giảm tiêu cực và giảm thiểu những nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp đất đai khi triển khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.