Khi người làm giáo dục thiếu kĩ năng

Thu Trang (thực hiện) 11/10/2015 09:30

* Bạo hành trong trường học, lỗi từ giáo viên đến phụ huynhTheo TS Nguyễn Tùng Lâm, giáo viên mầm non phải có lương tâm nghề nghiệp. Có thể chưa giỏi cái này cái khác nhưng có lương tâm thì sẽ không làm điều trái. Không thể đánh đập hay trói trẻ em được.

Khi người làm giáo dục thiếu kĩ năng

TS Nguyễn Tùng Lâm trò chuyện với các em học sinh.

Trong tuần qua, vụ bạo hành trẻ tại cơ sở Mầm non Sơn Ca (Quảng Bình) khiến dư luận bức xúc. Nhiều người lo ngại về đạo đức nghề nghiệp nhà giáo khi liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành. Nguyên do bắt nguồn từ đâu? Chúng tôi có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội về vấn đề này.

PV: Thưa ông, trước vụ bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non Sơn Ca tại Quảng Bình, ý kiến của ông thế nào?

Khi người làm giáo dục thiếu kĩ năng - 1

TS Nguyễn Tùng Lâm: Hiện tượng bạo hành trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) đang có dấu hiệu gia tăng, nay chỗ này mai chỗ kia. GDMN thời gian qua được coi trọng, Nhà nước đầu tư, tư nhân cũng đầu tư, nhưng chúng ta làm chưa đến gốc. Gốc của GDMN là gì?

Là phải trang bị cho thầy cô giáo có đủ năng lực, trình độ, nhất là quan điểm giáo dục phải rõ ràng. Mà muốn thế thì phải có kĩ năng. Các cô giáo trong những vụ bạo hành trẻ vừa rồi là không có kĩ năng giữ trẻ. Ngoài tình thương đã thiếu rồi lại còn không có kĩ năng, không biết dỗ trẻ…

Một số cô lại không có trách nhiệm, thiếu lương tâm mới dẫn đến việc trói chân trói tay, đánh đập trẻ. Điều quan trọng là điều đó diễn ra không chỉ một lần khiến đứa trẻ ốm, khóc, về nhà giật mình và sợ không ngủ được…

Ở đây bà mẹ cũng thiếu sót, đáng lẽ thấy con có những biểu hiện khác thường thì phải để ý hơn, đằng này lại chỉ nghĩ trong bụng, quá tin tưởng nhà trường mà không giám sát. Đến khi đạp cửa xông vào cũng chỉ là tình cảm thương xót con mà thôi.

Với một đứa trẻ ngay từ những năm đầu đời đã bị tác động mạnh như thế, là một nhà tâm lý học ông cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng tới em như thế nào?

- Phải nói là rất nặng. Với học sinh THPT giáo viên tát một cái các em đau, các em có khi cãi lại thầy cô. Nhưng với học sinh mầm non chưa nói đủ thì đã sang chấn đến mức về không ngủ được, hôn mê hò hét vào ban đêm, rồi sốt phản vệ… Do đó những cháu bé bị bạo hành này cần phải được theo dõi một thời gian nữa. Điều lưu ý là bây giờ tình trạng trẻ tự kỷ ngày một nhiều hơn.

Bị bạo hành, ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có tác động rất lớn cần phải cảnh giác. Với những đứa trẻ ở lứa tuổi nhỏ sẽ ám ảnh lâu dài. Có trường hợp những bạn hồi lớp 1 lớp 2 có thể lên trường nhảy múa hồn nhiên, biểu diễn vui vẻ nhưng càng lên cao càng lùi dần, hóa ra là bị mấy anh lớp lớn bắt nạt nhưng bố mẹ không để ý nên không biết. Tính cách rụt rè hẳn, không tự tin, không hòa đồng nữa. Khi phát hiện ra thì em đã bị ảnh hưởng rồi.

Cụ thể, phụ huynh cần phải làm gì để em có thể phát triển được tốt?

- Bố mẹ nên tìm hiểu cơ sở mầm non nào tốt, thương yêu học sinh thì gửi con chứ không phải thương con là cho con ở nhà để ông bà giữ. Ông bà chỉ có tình thương chứ không có nghiệp vụ sư phạm. Còn thấy cháu chậm phát triển, chậm nói, chậm các thứ khác thì phải đến bệnh viện, phải đến các chuyên gia, bác sĩ giỏi phân tích chứ không được chủ quan.

Để cho một đứa trẻ có thể phát triển toàn diện từ bé bố mẹ cần can thiệp, quan tâm như thế nào, thưa ông?

- Tôi có lời khuyên với phụ huynh như thế này, các cháu bé trong điều kiện của từng trường lớp, có thể có những cô giáo chưa được đào tạo đầy đủ, vì thế phụ huynh phải quan tâm tìm hiểu, để ý đến con mình.

Phải quan sát cho kĩ, hôm nay cháu đi học như thế nào, đi học mà có vết bầm tím là phải tìm hiểu ngay, để ý xem con về nhà có vui vẻ ăn uống không, nếu về nhà mà sợ không ăn uống thì phải đặt vấn đề và giải quyết ngay. Đối với đứa trẻ trong độ tuổi mầm non bố mẹ lại càng phải quan tâm.

Vậy để chấm dứt tình trạng bạo hành đối với trẻ em, theo ông cần phải có những biện pháp như thế nào?

- Điều đầu tiên là phải đào tạo giáo viên. Đào tạo chính quy chứ không được đào tạo ngang cắt. Nhiều người cứ nghĩ ai đó cứ thổi cơm chín ở nhà là làm được giáo viên mầm non. Điều này không đúng. Nó phải là chuẩn mực. Có 3 chuẩn mực rất quan trọng của GVMN, đó là người giáo viên phải nhận thức được vai trò của mình đối với trẻ.

Điều thứ 2 là phải có lương tâm nghề nghiệp. Có thể chưa giỏi cái này cái khác nhưng có lương tâm thì sẽ không làm điều trái. Không thể đánh đập hay trói trẻ em được.

Điều thứ 3, GVMN phải có kĩ năng để xử lý các tình huống mà thường xuyên xảy ra, có đứa phá, có đứa khóc, có đứa sốt… tất cả đòi hỏi GVMN phải có hiểu biết về trẻ. Ngay cả những người nấu ăn cho trẻ cũng phải là người biết kiến thức về thực phẩm nào bổ, cách nấu khi nào chín, nhừ, cách cho trẻ ăn như thế nào để có đủ năng lượng chứ không phải như ăn ở nhà… Tất cả kiến thức chăm sóc trẻ cực kỳ phong phú, đòi hỏi GVMN phải được trang bị rất đầy đủ thì chúng ta lại không trang bị cho họ tốt.

Tôi nghĩ rằng phải đặt vấn đề về rà soát lại GVMN hiện nay xem đào tạo đúng chưa, đào tạo rồi có tiếp thu được hay không. Nếu không thì sẽ vẫn còn xảy ra tình trạng bạo hành với trẻ nhỏ.

Vấn đề nữa là khâu công tác tổ chức quản lý của các nhà trường. Đối với cơ sở mầm non Sơn Ca, trường không được cấp phép mà vẫn hoạt động hơn 1 năm thì phải kiểm tra lại hệ thống quản lý. Thái độ của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình là tích cực, nhưng rõ ràng trong chuyện này phải có người chịu trách nhiệm.

Tuy thế, qua vụ việc này, cũng không nên cho rằng đây là thất bại của giáo dục, mất niềm tin giáo dục. Không nên lấy trường hợp cụ thể để suy rộng ra. Vì thực ra cuộc đời vẫn có xảy ra chuyện này, chuyện khác. Nhưng, cũng không thể vì thế mà không phê phán mạnh mẽ sự bạo hành trong nhà trường. Vì đó là điều không thể chấp nhận được.

Trân trọng cảm ơn ông!

TS Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành GDĐT Hà Nội; hiện là Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, Đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ông 2 lần được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo năm 1997, Nhà quản lý giỏi năm 2006. Ông trở thành Nhà giáo Ưu tú năm 2010. Ông cũng là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu được xét tặng danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô” 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi người làm giáo dục thiếu kĩ năng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO