Khi nhà đầu tư nội mua lại dự án

Minh Phương 17/10/2016 07:25

Những dự án nhà máy thép được nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhưng không đến nơi đến chốn, để đắp chiếu đến cả chục năm… đã không còn là chuyện mới. Thế nên, khi một nhà đầu tư trong nước có ý định mua lại một dự án thép đã chậm tiến độ nhiều năm để hồi phục lại, đã khiến dư luận “trao đi đổi lại” về ý định táo bạo đó.

Khi nhà đầu tư nội mua lại dự án

Ảnh minh họa.

Mới đây, Tập đoàn Hoà Phát đề xuất được mua lại Dự án nhà máy thép Guang Lian Dung Quất của Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) tại Khu kinh tế Dung Quất. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD với công suất 4 triệu tấn thép một năm, được chia làm 2 giai đoạn, thời gian hoạt động 70 năm.

Đây là dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép từ năm 2006. Tuy nhiên do quá chậm tiến độ nên Dự án này mới đây đã bị UBND tỉnh Quảng Ngãi thu hồi.

Từ khi cấp phép đến khi thu hồi, nhà đầu tư chỉ hoàn thiện các thủ tục dự án, xây khu ký túc xá cho nhân viên, san lấp mặt bằng một phần diện tích và đóng móng cọc các hạng mục xây dựng. Nguyên nhân đình trệ là do nhà đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính và kinh nghiệm xây dựng.

Nhận định về việc đề nghị mua lại dự án thép trị giá hàng tỷ USD của nhà đầu tư nước ngoài do chậm tiến độ, yếu về năng lực quản lý, đắp chiếu nhiều năm, ông Trương Đình Tuyển- nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, hiệu quả ra sao thì tương lai mới có câu trả lời, song động thái này đang minh chứng rằng, tiềm lực kinh tế của các nhà đầu tư trong nước đã ngày càng được nâng lên.

Theo ông Tuyển, thay vì tồn tại ở Việt Nam một dự án của người nước ngoài, thì người Việt Nam làm chủ dự án đó sẽ tốt hơn nhiều cho nền kinh tế nước nhà.

Còn TS Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, đây là quy luật mua bán sáp nhập chung của thị trường, ở đâu cũng có.

Có việc người nước ngoài mua lại dự án của ta thì cũng có chiều ngược lại, ta mua lại dự án của họ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Hòa Phát cũng cần phải cân nhắc kỹ về tính hiệu quả của Dự án.

Bởi theo TS Thành, hiện thị trường thép được cảnh báo là đang dư thừa nguồn cung. “Mua lại một dự án thép trị giá lớn như vậy, DN cũng cần phải thận trọng, cân nhắc rất kỹ.

Vì người ta không đầu tư nữa, có thể là họ đã nhìn thấy việc đầu tư vào thép sẽ không còn mang lại lợi nhuận cao trong tương lai”- theo ông Thành.

Tương tự, ông Trương Đình Tuyển cũng khuyến cáo rằng, một dự án thép đã tồn đọng nhiều năm và chưa thu được một đồng lợi nhuận nào, thì khi DN Việt mua lại cũng cần phải tìm hiểu, tính toán rất kỹ, cân nhắc về tính hiệu quả của Dự án đó ra sao, liệu có tồn tại được hay không, đầu tư công nghệ thế nào…

“Việc mua bán, sáp nhập là chuyện bình thường trên thị trường, tùy thuộc và tiềm lực kinh tế của mỗi DN, Nhà nước cũng không nên can thiệp quá sâu vào chuyện này. Tuy nhiên đây mới chỉ là một trường hợp DN Việt mua lại dự án của người nước ngoài, chưa có gì chứng tỏ nó trở thành xu hướng trong thời gian tới, bởi còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, tiềm lực kinh tế của các nhà đầu tư”- ông Tuyển nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nhà đầu tư nội mua lại dự án