Sản phẩm OCOP đang trở thành động lực kinh tế trọng tâm của các tỉnh, thành, nhất là khu vực nông thôn. Thế nhưng, trong phát triển, sản phẩm OCOP lại gặp khó với bài toán đầu ra. Nhiều tỉnh, thành đang kỳ vọng, sản phẩm OCOP được bán phổ biến trên các sàn thương mại điện tử.
Quảng bá rộng rãi thương hiệu OCOP
Cần Giờ có 18 sản phẩm tham gia phân hạng OCOP được UBND TPHCM phê duyệt. Trong đó có 12 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm đạt 3 sao. Hiện Cần Giờ đang hướng dẫn 4 chủ thể lập hồ sơ tham gia phân hạng OCOP đối với 20 sản phẩm gồm: tổ yến, sản phẩm khô thủy sản các loại, sản phẩm du lịch. Qua đánh giá ban đầu, yến sào Cần Giờ là sản phẩm có tiềm năng lớn nhất, phù hợp xây dựng thành thương hiệu nông đặc sản của thành phố. Mặc dù được đánh giá cao về chất lượng song yến sào Cần Giờ vẫn khó khăn về đầu ra.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho biết, hiện, TPHCM có 66 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao, nhiều sản phẩm là đặc sản Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn đã được công nhận OCOP.
“Cần phải tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP của TP HCM cũng như các tỉnh thành đến người tiêu dùng trong nước, từ đó giúp sản phẩm OCOP Việt Nam xuất khẩu vào thị trường các nước” - ông Phú nêu quan điểm.
Đề cập đến việc phát triển hệ thống phân phối hiện đại cho sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM khẳng định, thành phố là thị trường lớn nhất cả nước nhiều hàng hóa từ các tỉnh đổ về thành phố để tiêu thụ. Vì vậy, ngành công thương và nông nghiệp đang bắt tay để cùng nhau xúc tiến, quảng bá và đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng. Sự hợp tác này sẽ giải quyết được bài toán cung – cầu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc biệt là tiêu thị tại các sàn thương mại điện tử.
Đại diện ngành công thương TPHCM cũng nhận định, chất lượng đảm bảo, bao bì bắt mắt giúp tăng giá trị cho sản phẩm, đồng thời dễ dàng chinh phục khách hàng.
Đưa sản phẩm OCOP lên sàn
Không chỉ TPHCM, một số địa phương khác như: Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ,... rất quan tâm đến việc đưa sản phẩm OCOP ra thị trường, nhất là đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để có sức lan tỏa rộng hơn.
Kỳ vọng rất nhiều vào việc đưa sản phẩm OCOP ra thị trường, nhất là việc đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử, bà Võ Phương Thủy – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Đồng Tháp có khoảng 75% sản phẩm OCOP đã có mặt ở sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, giá bán của sản phẩm OCOP chưa cao.
Bàn về sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử, ông Nguyễn Quách Nhi – Giám đốc Kinh doanh ngành hàng thực phẩm tiêu dùng, Công ty TNHH Tiki khẳng định, sản phẩm OCOP lên sàn khá nhiều nhưng tiêu thụ không như mong đợi. Bên cạnh đó, sản phẩm có giá bán chưa tương xứng, không có kênh phân phối. Chúng tôi mong muốn đưa sản phẩm có giá bán tương xứng với giá trị, sức tiêu thụ đáng kể và ổn định hơn.
Theo ông Nhi, hầu hết sản phẩm OCOP là sản phẩm 3 sao nên mức độ nhận diện thương hiệu chưa phổ biến. Đây chính là bài toán cần phải giải quyết. “Sắp tới, đơn vị sẽ ưu tiên đưa những sản phẩm OCOP 4 – 5 sao của TPHCM và các tỉnh lên sàn. Đồng thời tạo gian hàng OCOP của các tỉnh – thành trên Tiki. Mỗi tỉnh, thành sẽ có khoảng 50 – 100 sản phẩm OCOP đặc sắc nhất. Khi triển khai rất cần chính quyền địa phương của các tỉnh - thành hỗ trợ lựa chọn sản phẩm đặc sản chính gốc, đảm bảo chất lượng” - ông Nhi nhấn mạnh đồng thời cho rằng, để sản phẩm OCOP hút khách, thì không chỉ OCOP lên sàn thương mại điện tử một cách đơn thuần. Yêu cầu đặt ra, phải kể được câu chuyện thổ nhưỡng, khí hậu, văn hóa độc đáo của từng sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng. Điều này giúp sản phẩm OCOP thêm khác biệt và gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về hỗ trợ, kết nối phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, đặc sản huyện Cần Giờ, Sở Công thương TPHCM chủ động phối hợp cùng các sở ngành, sàn thương mại điện tử,... xem xét tiềm năng của nhiều sản phẩm tiêu biểu trên địa bàn.