Trong những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, chính quyền xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) đã bán đất ở cho khoảng 100 hộ dân. Sau đó, nhiều gia đình đã xây dựng nhà cao tầng kiên cố. Tuy nhiên, cũng từ đó bà con “kêu” lên xã, huyện, tỉnh về việc cấp sổ đỏ nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Hàng chục hộ dân ở Đồng Lợi (Triệu Sơn, Thanh Hóa) làm nhà kiên cố trên đất mua của xã nhưng chưa có trích lục.
Đợi chờ trong vô vọng
Trong đơn kiến nghị có chữ ký của 33 hộ dân xã Đồng Lợi gửi Báo Đại Đoàn Kết, bà con khẳng định: Tất cả các hộ được ông Lê Thành, ông Nguyễn Đình Lĩnh (nguyên là hai Chủ tịch UBND xã Đồng Lợi thời kỳ từ 2000-2015-PV) đại diện cho chính quyền địa phương ký giấy bán đất ở và thu tiền. Nhưng suốt từ năm 2002 đến nay, người dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, có một vài hộ khác mua đất cùng đợt do UBND xã Đồng Lợi bán thì lại được cấp sổ đỏ như các hộ Nguyễn Đình Hào, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đình Chông. Việc này khiến bà con tỏ ra nghi ngờ về cách làm việc không minh bạch của chính quyền xã.
Ông Nguyễn Xuân Hựu, trú thôn Quần Nham I cho biết: Trong hơn 10 năm qua, bà con đã nhiều lần tìm gặp ông Lê Thành và ông Nguyễn Đình Lĩnh để hỏi lý do vì sao, xã đã thu tiền, cấp đất cho dân rồi nhưng sổ đỏ thì chưa có. Vậy nhưng, lần nào lãnh đạo xã Đồng Lợi cũng trả lời: Các hộ cứ yên tâm. Chúng tôi đã chuyển hồ sơ lên Phòng TNMT thuộc UBND huyện Triệu Sơn và phòng đang làm. “Tôi lấy làm lạ, nếu có sai sót thì chính quyền xã Đồng Lợi phải chịu trách nhiệm. UBND huyện Triệu Sơn xem xét xử lý kỷ luật những người chưa thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, tại sao lại để dân phải gánh chịu sự thiệt thòi thế này?”- ông Hựu thắc mắc.
Ông Vũ Văn Thành, trú thôn Long Vân II, xã Đồng Lợi đưa cho tôi xem hai phiếu thu lập ngày 26-6-2002 của UBND xã Đồng Lợi về việc thu 3,5 triệu đồng tiền “lệ phí cấp quyền sử dụng đất ở xen cư” cho ông Vũ Văn Lai (cha ruột ông Thành). Theo ông Thành thì vào thời điểm năm 2002, bố ông đang đương nhiệm chức Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Công an xã Đồng Lợi đã mua một lô đất do UBND xã cắt bán. Bố ông Thành đã mất cách đây 6 năm, nhưng đến nay, số phận lô đất cũng đang chung cảnh ngộ giống hàng chục gia đình khác. Ông Thành nói: “Người dân chưa được cấp sổ đỏ rất bức xúc. Mỗi khi khó khăn, cần vốn làm ăn, muốn mang tài sản đất đai, nhà ra ngân hàng thế chấp cũng không được vì chưa có sổ đỏ”.
Dân vẫn tiếp tục kêu
Ông Hoàng Văn Sơn- Chủ tịch UBND xã Đồng Lợi cho biết: Tháng 11-2015, 18 hộ dân ký đơn tập thể gửi cơ quan chức năng; thực tế, theo thống kê có khoảng 100 hộ mua đất đã hàng chục năm vẫn chưa có sổ đỏ. UBND xã Đồng Lợi cho mời tất cả các hộ lên làm việc. Theo ông Sơn, thì việc bán đất của chính quyền địa phương giai đoạn 2000-2015 là có quy hoạch và đã được phê duyệt. “Nhưng hai vị Chủ tịch UBND xã Đồng Lợi cùng các cán bộ liên quan thu tiền bán đất, thu phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân để ở đâu, có nộp vào kho bạc không; nộp đúng thời điểm và đủ số lượng không thì chưa thấy thanh tra, xử lý. Tôi nhận bàn giao công việc cuối năm 2015, xã còn nợ tới hơn 1 tỷ đồng tiền bán đất”- ông Sơn nói.
Chính vì những lý do trên dẫn tới UBND huyện Triệu Sơn bỏ mặc việc cấp sổ đỏ đất ở cho cả trăm hộ dân Đồng Lợi suốt nhiều năm qua. Ông Hoàng Văn Sơn- Chủ tịch UBND xã Đồng Lợi khẳng định: “Người dân mua đất không có tội. Song quyền lợi của họ lại để quá lâu; quan điểm của tôi không bao biện, không bao che, ai làm sai phải bị xử lý. Ngược lại, sự bức xúc chính đáng của dân, UBND huyện Triệu Sơn cần tập trung, sớm giải quyết dứt điểm. Tôi sẵn sàng đối mặt với dân, dành thời gian cao nhất, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật để làm việc với bà con. Đề nghị những gia đình nào còn giữ được giấy tờ mua đất, phiếu thu thì photocopy công chứng nộp lên xã để xã tiếp tục kiến nghị huyện”.
Cũng theo ông Hoàng Văn Sơn cho biết thì hiện nay UBND xã Đồng Lợi đang đề ra giải pháp kiến nghị UBND huyện Triệu Sơn, cụ thể: Do tiền thu của dân, chính quyền khoá trước đã tiêu hết nên cần tính giá đất ở thời điểm ghi trên phiếu thu dân đang còn lưu giữ để cấp sổ đỏ. Hoặc UBND huyện Triệu Sơn cho phép địa phương đổi đất lấy công trình, trên cơ sở đó sẽ dành ra một phần kinh phí nộp về ngân sách huyện để “giải bài toán làm sai” của các lãnh đạo tiền nhiệm. Phương án cuối cùng là Nhà nước và nhân dân cùng làm, tức là bà con cũng phải gánh chịu phần lỗi do lãnh đạo xã gây ra để được cấp sổ đỏ. Song, dù gì đi nữa thì UBND huyện Triệu Sơn cũng cần sớm đưa ra hướng giải quyết hợp lý, hợp tình, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.