Có lẽ giờ đây, trước cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên với những cơn bão lũ có sức tàn phá ghê gớm, người ta đã bắt đầu nhận ra được những bài học đắt giá khi ra sức tàn phá môi trường, hủy hoại thiên nhiên.
Lũ chồng lũ, bão chồng bão là thảm họa thiên tai mà miền Trung đang phải gánh chịu. Nhiều người đã thiệt mạng, nhà cửa, hoa màu, tài sản bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Đó là sự nổi giận của thiên nhiên có phần từ sự tàn phá môi trường của con người.
Đợt lũ lụt, sạt lở ở các tỉnh Bắc Trung bộ đã khiến nhiều người thương vong, nhà cửa đổ sập, gia súc gia cầm bị cuốn trôi theo dòng nước. Chưa kịp khắc phục hậu quả nặng nề của đợt lũ lịch sử này, các tỉnh Nam Trung bộ lại phải hứng chịu cơn bão số 9 với sức tàn phá ghê gớm, khiến hàng vạn hộ gia đình bỗng chốc tay trắng, nhiều người dân bị vùi lấp bởi sạt lở đất. Giờ đây, miền Trung hết sức tang thương bởi bão và lũ.
Chỉ ra nguyên nhân sự khắc nghiệt của thiên tai trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng đó là hậu quả của việc phát triển ồ ạt, thiếu tính toán của các thủy điện nhỏ. Nói trắng ra, luồng ý kiến này chỉ đích danh thủy điện nhỏ chính là một trong những tác nhân gây ra lũ lụt và sạt lở đất, khiến nhiều người mất mạng, tài sản bị cuốn trôi. Song, cũng có luồng ý kiến khác cho rằng, khi chưa có bằng chứng xác thực, không nên “đổ oan” cho thủy điện nhỏ.
Hiện, chưa có bất cứ công trình nghiên cứu khoa học nào chính thức được công bố, khẳng định thủy điện nhỏ chính là thủ phạm gây ra lũ lụt và sạt lở đất, khiến nhiều người thiệt mạng. Song, phân tích tình hình từ thực tế có thể thấy, nếu thủy điện nhỏ không phải là tác nhân trực tiếp gây ra cảnh lụt lội, sạt lở đất, thì cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến các thảm họa thiên tai trong thời gian vừa qua tại miền Trung.
Đơn cử, việc sạt lở đất ngoài nguyên nhân do cấu tạo địa chất, thổ nhưỡng của miền Trung, còn có nguyên nhân của việc không có “hàng rào” cây xanh ngăn chặn việc sói mòn, sạt lở. Rất nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đã bị tàn phá, trong đó tỷ lệ không nhỏ là để phát triển thủy điện nhỏ. Thủy điện nhỏ như “trăm hoa đua nở”, ồ ạt mọc lên thiếu kiểm soát, quy hoạch, dẫn đến nhiều diện tích rừng bị mất đi rất đáng tiếc.
Theo tính toán, cứ 1MW thủy điện là mất 10-14,5ha rừng, trung bình mỗi dự án thủy điện nhỏ hình thành sẽ phải đánh đổi bằng 125ha rừng. Như vậy, với hơn 500 dự án thủy điện nhỏ đã được phê duyệt, sẽ có 57.000ha rừng bị xóa sổ. Theo các chuyên gia về môi trường, hầu hết công trình thủy điện đều được xây dựng ở vùng núi cao đầu nguồn, mất rừng đồng nghĩa với việc “thả” lũ tự do không có sự ngăn chặn.
Chưa tính đến việc trong khi mưa lũ dâng cao, các thủy điện nhỏ lại xả lũ góp thêm phần lụt lội. Chỉ tính riêng việc phía thượng nguồn sông suối không còn rừng thì lấy gì cản sói lở đất đá? Rừng vốn được coi là “hàng rào” tự nhiên vừa để ngăn bớt sự hung hãn của lũ, vừa có tác dụng chống sói mòn, sạt lở rất hữu hiệu. Khi đồi núi trọc không còn cây xanh, lấy gì chống sói mòn, vậy thì xảy ra lũ lụt, sạt lở là không thể tránh khỏi.
Còn nữa, ngoài số diện tích rừng bị mất do chặt hạ làm thủy điện, còn có các hệ lụy phát sinh kèm theo như việc di dân, xây dựng các công trình phục vụ thủy điện cũng góp phần tàn phá thêm môi trường. Lẽ nào xây dựng các nhà điều hành, khu tái định cư cho người dân... lại không phải nổ mìn bạt núi, phá rừng? Khi mà cây xanh không còn, các ngọn đồi núi bị chấn động bởi tác động của con người, không bị sạt lở mới là chuyện lạ.
Có lẽ giờ đây, trước cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên với những cơn bão lũ có sức tàn phá ghê gớm, người ta đã bắt đầu nhận ra được những bài học đắt giá khi ra sức tàn phá môi trường, hủy hoại thiên nhiên. Chẳng thế mà bên hành lang kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã phải thẳng thắn nói rằng: Không nên tiếp tục phát triển các dự án thủy điện nhỏ nữa.
Tất nhiên, cũng không phải vì thế mà phủ nhận sạch trơn mọi “công lao” đóng góp của thủy điện. Trong bối cảnh nguồn cung cấp điện quốc gia còn hạn chế, có thời điểm phải nhập khẩu, việc tạo thêm nguồn cung loại năng lượng này cũng hết sức cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Song, vấn đề ở đây là cần có sự khảo sát, nghiên cứu khoa học, có quy hoạch, quản lý, giám sát chặt chẽ để không tàn phá môi trường.
Có thể lấy một ví dụ nhỏ trong khâu quản lý, giám sát, đó là việc điều tiết xả lũ của các thủy điện phải được thực hiện một cách bài bản, khoa học sẽ tránh được mối họa lũ chồng lũ. Hoặc những nơi địa chất yếu, dễ thay đổi kết cấu sẽ kiên quyết nói không với các thủy điện nhỏ... Tóm lại, nếu các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương thực sự ý thức được phát triển nguồn năng lượng điện một cách bền vững, có lẽ đã không xảy ra những thảm họa thiên tai bởi sự nổi giận của mẹ thiên nhiên như thời gian qua.