Nhiều người tỏ ra khá bất ngờ và hoài nghi khi biết tin Trường ĐH dân lập Kinh doanh công nghệ (gọi tắt là Trường KDCN) được phép đào tạo chuyên ngành y dược. Chức năng đào tạo mới này có vẻ không ăn nhập gì với cái tên “Kinh doanh công nghệ” vốn có của trường.
Công văn của Bộ GD&ĐT cho phép Trường Dân lập
Kinh doanh và công nghệ mở chuyên ngành đào tạo
y đa khoa và dược học.
Tại Quyết định số 5758/QD-BGDDT, do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký ngày 19/11/2015 của Bộ GD&ĐT, giấc mơ được đào tạo các chuyên ngành y đa khoa và dược của Trường KDCN bao nhiêu năm nay đã thành hiện thực. Quyết định ghi rõ: “Cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành Y đa khoa, mã số: 52720101; Dược học, mã số: 52720401…
Trước đó, Bộ Y tế cũng có công văn số 8860/BYT-K2ĐT, ngày 17/11/2015 phúc đáp công văn số 397/BGH ngày 28-10-2015 về việc mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành y đa khoa và dược học. Tại đây, Bộ Y tế có ý kiến như sau: “Bộ Y tế ủng hộ Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa và Dược học sau khi hoàn thiện các nội dung góp ý được ghi trong Biên bản của đoàn thẩm định mở ngành Y đa khoa và Dược học tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ngày 5/10/2015”.
Ngày 26/11, làm việc với PV Báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Lê Quang Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Theo thông lệ quốc tế cũng như các văn bản pháp luật của Việt Nam, bất cứ trường ĐH nào có giấy phép hoạt động, có đủ năng lực và điều kiện giáo dục và đào tạo thì họ có quyền đào tạo mọi ngành. Trường ĐH Harvard ở Mỹ là một ví dụ. Cái tên của trường đơn thuần chỉ là cái tên. Nó có thể được thay đổi theo thực tế hoạt động qua các thời kỳ. Trường KDCN không phải là trường dân lập đầu tiên xin và được phép mở ngành y, dược đào tạo mà trước đó ở ta đã có vài trường dân lập khác có chức năng này. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng và quyết định là ở chỗ họ có đủ năng lực theo tiêu chí của cấp có thẩm quyền ở đây là Bộ GD&ĐT hay không về giảng viên, giáo trình, điều kiện thực hành... Với trường hợp ở Trường KDCN, thì tiêu chí mà họ phải theo là Thông tư 08.
Tuy nhiên, theo ông Cường, thông tư này quy định chung cho các ngành nghề, trong đó có y đa khoa và dược học. Được hỏi về công văn số 8860/BYT-K2ĐT nói trên, ông Cường cho biết: Vừa qua, ông và lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã thống nhất quan điểm đúng như đã nêu trong công văn này, rằng Bộ GD&ĐT phải ban hành cũng như buộc các trường ĐH phải tuân thủ các tiêu chí cơ bản mà Bộ Y tế đề xuất khi họ muốn cho phép các trường nói chung, Trường KDCN nói riêng tham gia đào tạo y đa khoa và dược học.
Theo Ths Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), một trong những tiêu chí tối thiểu ấy là nhà trường phải có ít nhất 50 giảng viên cơ hữu (biên chế cố định và duy nhất ở đây), trong đó phải có ít nhất 6 tiến sĩ thuộc các chuyên khoa: Y học cơ sở, y học dự phòng, nội khoa, ngoại khoa, sản khoa và nhi khoa. Số còn lại phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Ngoài ra, nhà trường còn phải có các phòng thực hành tiền lâm sàng chuyên ngành, BV hợp tác cho sinh viên thực tập.
Theo đề án của nhà trường trình Bộ GD&ĐT thì họ cho biết là nhà trường chuẩn bị đầy đủ theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Trong đó, trường này đã ký hợp tác được với BV đa khoa Đức Giang - BV hạng 1 của TP Hà Nội, phù hợp với tiêu chí tối thiểu.
Tuy nhiên,trả lời câu hỏi của PV, trên thực tế đã từng có những hiện tượng các trường ĐH khi xin phép được thành lập cũng như mở khoa đào tạo thì xuất trình đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu nhưng khi đi vào hoạt động thì không hẳn còn được hoàn hảo như thế, ông Lợi cho hay, chắc chắn các ngành chức năng phải kiểm tra, thanh lọc các điều kiện này không chỉ ban đầu mà phải thường xuyên hậu kiểm để kiểm soát được chất lượng đào tạo.
“Trường KDCN tự đề ra mức điểm đăng ký xét tuyển thấp nhất là 20 điểm có gì đáng lo ngại không, thưa ông?”. Trả lời câu hỏi này, ông Lợi cho hay, đây là vấn đề mà chúng tôi cũng rất lo ngại. Đào tạo các chuyên ngành y, dược là loại hình đào tạo rất đặc biệt, phải hết sức thận trọng vì nó liên quan đến sự an nguy đến sức khỏe con người. “Cá nhân tôi đề xuất Bộ GD&ĐT ngoài đề ra ngưỡng điểm chuẩn chung vào đại học nên đề ra những ngưỡng điểm riêng cho những ngành đặc thù để cho các trường, bất kể đó là trường công hay trường tư phải theo” - ông Lợi nhấn mạnh.
Thêm nữa, trước khi trở thành một bác sĩ hay điều dưỡng, dược sĩ tại các cơ sở y tế, các sinh viên phải qua một kỳ sát hạch lấy chứng chỉ hành nghề. Sản phẩm của các trường sẽ được kiểm chứng tại các cuộc sát hạch đó cũng như trong thực tiễn công việc của họ. Nếu không đảm bảo chất lượng công việc, họ sẽ bị loại bỏ. Điều này đồng nghĩa với việc uy tín của nhà trường sẽ được thực tiễn kiểm chứng, sàng lọc.