Khi xã nghèo làm nông thôn mới

HẠNH NGUYÊN 23/06/2015 10:54

Hà Linh là địa phương nằm trong tốp 5 xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Hương Khê, và là xã thuộc diện phải “đỡ đuôi” của tỉnh Hà Tĩnh khi hiện nay xã này mới chỉ đạt 5/7 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Với địa thế nằm ở vùng “chảo lửa”, “túi mưa” của dải đất “gánh hai đầu đất nước” và trong khi các địa phương khác nhận được sự đỡ đầu tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thì Hà Linh vẫn phải tự bơi. Bởi vậy, NTM đối với xã này hết sức khó khăn.

Khi xã nghèo làm nông thôn mới

Do khô hạn nên hơn 170ha đất trồng lúa phải chuyển sang trồng đậu

Về Hà Linh vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm, chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí khẩn trương vào vụ của những người nông dân nơi đây. Với tiêu chí “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”, những ruộng lúa vừa mới thu hoạch vụ Đông Xuân nay đã khô hạn, nứt nẻ, không có nước để trồng lúa, người dân đã chuyển đổi sang trồng đậu. Dù suốt ngày “bán mặt cho đất” song đời sống nhân dân xã Hà Linh vẫn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn rất cao, chiếm 12,48%, cận nghèo chiếm 13%.

Chia sẻ với PV báo Đại Đoàn Kết về nguyên nhân dẫn đến việc Hà Linh dù tích cực áp dụng khoa học kỷ thuật vào sản xuất nhưng năng suất không cao thì ông Lê Xuân Phú, Chủ tịch UBND xã Hà Linh cho biết: “Hiện nay tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp của Hà Linh đã đạt 70% nhưng năng suất vẫn không cao là vì xã thường xuyên hứng chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai, ở đây mùa mưa thì lụt, mùa nắng thì hạn hán. Đất nông nghiệp chỉ trồng được một vụ lúa còn một vụ thì người dân tranh thủ làm màu nhưng vì đất đai khô cằn nên năng suất không thể nâng lên được. Chẳng hạn như vụ sản xuất Hè Thu năm nay xã chúng tôi có 200ha đất trồng lúa nhưng có tới 170ha không sản xuất lúa được vì hạn hán không có nước nên người dân phải chuyển sang trồng đậu. Nông nghiệp là nghề phụ thuộc rất lớn vào tự nhiên mà Hà Linh thì ngành này chiếm tới 80%”.

Đối với Hà Linh thì các tiêu chí như giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, thu nhập, môi trường…vẫn còn nhiều thách thức khi xã phải hoàn thành hơn 153 km đường giao thông, hơn 41 km kênh mương thủy lợi, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 15,25 triệu đồng/người/năm, trong khi đó để đạt được tiêu chí thu nhập thì Hà Linh phải đạt 35 triệu đồng/người/năm.

Khi xã nghèo làm nông thôn mới - 1

Tiêu chí giao thông nông thôn đang là thách thức lớn đối với Hà Linh
khi xã có hơn 153 km phải hoàn thành

Miền sơn cước Hà Linh có tiềm năng về đất đai, nếu đầu tư vào chăn nuôi quy mô lớn sẽ rất thuận lợi nhưng tiềm lực của người dân không có nên rất cần sự đầu tư, liên kết của các doanh nghiệp để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhân dân Hà Linh hết sức đồng tình, ủng hộ phong trào xây dựng NTM, tuy nhiên do đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn nên để bứt phá được trong xây dựng NTM thì bên cạnh việc phải tích cực huy động nguồn lực trong dân, thực hiện các đề án nâng cao thu nhập cho người dân thì Hà Linh rất cần sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đầu tư, liên kết xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn để người dân vùng thâm sơn cùng cốc này theo kịp các địa phương khác và hơn hết là góp phần giúp dân thoát nghèo bền vững.

“Theo lộ trình thì đến năm 2023 Hà Linh về đích NTM, trong đó mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành 15 tiêu chí. Hiện nay xã mới đạt được 5 tiêu chí, bao gồm tiêu chí quy hoạch, giáo dục, tỷ lệ lao động có việc làm, an ninh trật tự. Tỉnh giao đến hết tháng 6/2015 này phải thoát khỏi tốp những xã đạt dưới 7 tiêu chí nên chúng tôi đang tích cực thực hiện hai tiêu chí nhà ở dân cư và điện. Đối với Hà Linh thì việc xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn vì đây là xã miền núi nghèo lại không có đơn vị nào đỡ đầu. Khi một xã nghèo làm NTM thì đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả Đảng bộ và nhân dân”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi xã nghèo làm nông thôn mới