Khiêm tốn sáng chế đăng ký bảo hộ

T.Hương - M.Hà 13/01/2016 08:20

Theo ông Lê Ngọc Lâm- Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, trong 11 tháng đầu năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 46.557 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014), trong đó có 4.584 đơn đăng ký sáng chế, 387 đơn đăng ký giải pháp hữu ích. Cục đã xử lý được 33.773 đơn (giảm 8,1% so với năm 2014) và cấp 23.814 văn bằng bảo hộ (giảm 6,1% so với năm 2014), trong đó có 1.271 Bằng độc quyền sáng chế, 106 bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ của Việt Nam tăng 62% so với giai đoạn 2006 - 2010. Cụ thể, số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích giai đoạn 2011 - 2015 là 22.674 (giai đoạn 2006 - 2010 là 15.989); số văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích giai đoạn tương ứng là 6.391 và 3.940.

Tuy đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2015 nhưng số lượng đơn do các tổ chức, cá nhân Việt Nam đăng ký còn rất khiêm tốn (chỉ khoảng 20% tổng số đơn đăng ký). Trong một số lĩnh vực, điển hình như lĩnh vực dược - mỹ phẩm, lượng đơn và văn bằng bảo hộ sáng chế của chủ đơn nước ngoài chiếm tuyệt đại đa số, trong đó, chủ yếu là từ các nước công nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Thụy Sỹ, Pháp, Nhật Bản, Bỉ, Anh. Số đơn sáng chế bảo hộ quốc tế có nguồn gốc Việt Nam rất thấp.

Lý giải vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết: “Số lượng sáng chế thấp phản ánh thực trạng năng lực nghiên cứu ứng dụng của các viện nghiên cứu, trường ĐH, doanh nghiệp và năng lực công nghệ trong nước. Tuy nhiên, trình tự bảo hộ phức tạp, chi phí xác lập và bảo vệ quyền, tâm lý e ngại bộc lộ tính mới của giải pháp kỹ thuật hoặc không có nhu cầu thương mại hóa sáng chế tại các thị trường quốc tế cũng là nguyên nhân dẫn tới số lượng đơn và văn bằng sáng chế của người Việt Nam không cao”.

Trong khi đó, một nhà khoa học được cấp bằng độc quyền sáng chế trong năm qua chia sẻ khó khăn lớn nhất không phải là ở chuyện đăng ký mà là việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với sáng chế của mình.

“Theo Luật Sở hữu trí tuệ, việc bảo hộ pháp lý chống lại hành vi xâm phạm độc quyền sáng chế bất kỳ (xâm phạm) không có được một cách tự động, mà dựa trên đề nghị của chủ sở hữu tài sản trí tuệ dưới dạng bằng độc quyền sáng chế. Do vậy, chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế cần phải giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khác nếu muốn thực thi độc quyền sáng chế đối với tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình. Điều này rất khó để thực hiện khi không phải tất cả các doanh nghiệp đều phát triển được sáng chế có khả năng bảo hộ dưới dạng tài sản trí tuệ” – nhà khoa học này chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khiêm tốn sáng chế đăng ký bảo hộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO