Đã hơn 1 tuần sau việc một ca sĩ tung bộ ảnh chụp trên mái nhà cổ ở Hội An, nhưng dư luận vẫn còn nhiều ý kiến bức xúc, cho dù đại diện chính quyền địa phương đã hứa sẽ xem xét xử lý.
Trước đó, ngày 10/7, ca sĩ Đức Tuấn đăng trên trang cá nhân bộ ảnh “Hội An - Phố cổ huyền bí”, trong đó có ảnh anh mặc áo dài, ngồi trên mái nhà khu phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Trước phản ứng của dư luận, ngày 11/7, ca sĩ này đã gỡ các ảnh này. UBND TP Hội An cho biết đang xác minh và rà soát quy định để xử lý. Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng hành động của ca sĩ Đức Tuấn là khó chấp nhận. Ảnh chụp một người bình thường đứng trên mái nhà đã là không thích hợp vì đây là di sản văn hóa thế giới, hành vi đó là vi phạm Luật Di sản.
Liên quan đến vụ việc, chủ quán cà phê (nơi Đức Tuấn chụp ảnh) cho biết quán có lan can để ngăn khách trèo lên mái nhà, đề phòng làm vỡ ngói âm dương. “Chúng tôi cũng không cho phép bất cứ vị khách nào leo ra mái nhà để chụp ảnh” - nữ quản lý nói và cho biết không phát hiện nhóm của ca sĩ Đức Tuấn leo lên mái nhà để chụp ảnh nên không kịp thời ngăn cản.
Đáng nói là việc như thế này không phải là quá hiếm hoi. Trước đó, dư luận cũng từng chứng kiến không ít người nổi tiếng trong làng giải trí mượn di sản làm “phông” để làm bật hình ảnh của mình.
Di sản được UNESCO ghi danh hay là trong nước xác nhận đều vô cùng đáng quý, vì đó là những gì đẹp đẽ tiền nhân để lại cho con cháu, cần phải được gìn giữ, nâng niu và trân trọng. Không thể có bất cứ hành vi phản cảm nào nấp dưới danh nghĩa tôn vinh di sản, nhưng thực chất là để làm hình ảnh, đánh bóng mình.
Vi phạm xong rồi bị phản ứng thì xin lỗi. Liệu như vậy có đủ? Không, nhận thức lệch lạc, hành vi phản cảm của bất cứ ai cũng cần phải phê phán, xử lý. Huống hồ lại là người nổi tiếng, thì trách nhiệm với cộng đồng lại càng lớn hơn.
Lâu nay, không ít người nổi tiếng có những hành vi “kỳ quặc” làm nóng dư luận. Nhưng sau đó họ thường chỉ bị nhắc nhở, hoặc phạt vi phạm hành chính. Phải chăng cách xử lý như vậy dẫn tới tình trạng “nhờn luật”? Không loại trừ cả việc ai đó chấp nhận bị phạt vài triệu đồng để... nổi tiếng. Nổi tiếng không phải nhờ tài năng mà nhờ các scandal thì thật đáng buồn.
Dư luận rất công bằng, tốt đẹp thì khen, phản cảm thì chê. Sức ép dư luận là rất cần thiết đối với những người hoạt động trong giới giải trí, biểu diễn để họ phải soi lại chính mình. Tuy nhiên, cạnh đó còn cần sự xử lý nghiêm của cơ quan chức năng. Không chỉ đối với cá nhân người đó, mà còn cả với ê-kíp thực hiện (nếu có). Chỉ có như vậy chúng ta mới hy vọng môi trường nghệ thuật, môi trường mạng sẽ lành mạnh hơn.
Cổ nhân nói rằng “thuốc đắng dã tật”, cần phải có thuốc đặc trị cho những căn bệnh nặng. Nhất là với những người hoạt động trong môi trường văn hóa, thì lại càng phải có văn hóa.