Trong khi nhiều vùng biển quản lý gắt gao việc khai thác thủy sản bằng các hình thức tận diệt, thì ngay tại thủ phủ Hạ Long, tâm điểm du lịch của Quảng Ninh, vấn nạn này lại ngang nhiên giữa ban ngày.
Những ngày tháng 11, vùng biển Hạ Long lặng sóng. Nhóm PV trong vai “phượt thủ” cắm trại ngủ qua đêm trên một bán đảo nhân tạo thuộc khu du lịch Tuần Châu (TP Hạ Long). Không khí tĩnh lặng bắt đầu bị phá vỡ từ khoảng 9h tối. Dưới ánh trăng, bóng những con tàu giã cào xuất hiện. Để tránh bị phát hiện, chủ tàu chỉ thắp bóng đèn nhỏ, sáng leo lét, nhưng tiếng máy nổ của những động cơ có công suất lớn thì vang động cả một vùng biển.
Tàu giã cào được hàn một bộ khung sắt phía đuôi, chiếc ròng rọc được treo trên thanh ngang để thả hoặc kéo dây lưới. Bộ cào được thiết kế như chiếc bừa trên ruộng, nhưng lưỡi sắt dày hơn. Sau cào là túi lưới, có chiều dài từ 500 - 1.500m, mắt lưới dày từ 5 - 10cm và có nhiều lớp để “quét” hải sản từ tầng đáy đến mặt nước. Bộ kích điện được dòng xuống phía trước mũi cào. Khi hải sản bị mắc xung điện, chúng không thể bơi xa, chiếc cào khi đó làm nhiệm vụ đuổi hải sản từ tầng đáy ngoi lên, rồi bị cuốn vào túi lưới.
Càng về đêm, những chiếc tàu giã cào xuất hiện càng nhiều. Phạm vi hoạt động của những chiếc tàu này trong tầm mắt chúng tôi quan sát được từ khu vực dãy núi hang Sò đến sát bờ đảo Tuần Châu. Chỉ trong khoảng 2km, cả chục chiếc tàu giã cào hoạt động, tiếng máy nổ gằn lên do kéo tải bộ cào dưới đáy biển.
Gần sáng, chúng tôi cố chợp mắt trong lều, nhưng tiếng máy gằn ngoài biển vẫn vang động.
Tôi mang câu chuyện về những chiếc tàu giã cào hoạt động đêm qua kể cho G, một thủy thủ tàu du lịch tại cảng Tuần Châu, chẳng ngờ G nói: “Sao anh mất công sức tìm hiểu họ đánh bắt ban đêm làm gì, ban ngày họ cũng đánh, ngay trước mũi tàu du lịch chúng em mà”.
Không do dự, ngay sáng hôm sau, G trực tiếp lái xuồng chở chúng tôi tới vùng biển mà G quả quyết rằng sẽ có tàu giã cào đang hoạt động. Đúng như dự đoán, tại khu vực hòn Van Bội, khu vực động Hoa Cương, khu Dầm Bắc, hòn Gà Chọi…, hàng chục chiếc tàu giã cào, te xiếc hoạt động công khai ngay cạnh các tàu du lịch và các điểm tham quan, nơi thường xuyên có lực lượng của Ban Quản lý vịnh Hạ Long túc trực.
Như còn chưa tin vào mắt mình, tôi hỏi G: “Họ đánh bắt như này lâu chưa em?”. G đáp: “Trước đây thì họ đánh bắt vụng trộm ban đêm, nhưng từ khoảng 1 năm nay, ngày nào em cũng gặp họ đánh công khai như thế”.
Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Sau khi Báo Đại Đoàn Kết vừa đăng tải bài viết “Tàu giã cào "đại náo" vịnh Hạ Long”, thì ngay trong buổi sáng 19/11, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý. Tối cùng ngày, lực lượng đã mật phục, bắt giữ được 4 con tàu tàng trữ ngư cụ cấm có khả năng hoạt động khai thác trên vịnh Hạ Long.
“Thực tế cho thấy việc ngư dân khai thác hải sản bằng ngư cụ cấm còn diễn ra nhiều. Trong 10 tháng đầu năm 2024, riêng lực lượng kiểm ngư của Sở đã phát hiện, xử lý hơn 260 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, với diện tích biển rộng hơn 6100km2, lực lượng kiểm ngư còn mỏng nên không thể tiến hành tuần tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục được. Vì vậy cần sự chủ động quản lý của các địa phương và ban quản lý các khu vực biển" - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh nói.
Theo một cán bộ kiểm ngư, một trong những khó khăn trong hoạt động bắt giữ phương tiện sử dụng ngư cụ cấm, đó là từ trước tới nay khi phát hiện có lực lượng chức năng, chủ tàu liền cắt bỏ, phi tang bộ lưới, nên có xử lý vi phạm hành chính thì cũng vào khung nhẹ, không đủ răn đe. Để ghi hình bắt quả tang vi phạm, các lực lượng cần phải được trang bị các công cụ chuyên dụng hỗ trợ như flycam...
Cũng trong buổi làm việc với PV Báo Đại Đoàn Kết ngày 19/11, Trung tá Nguyễn Quang Doanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Gai cho biết: "Địa bàn quản lý của Đồn rộng, các tàu đánh bắt bằng ngư cụ cấm luôn tìm cách trốn tránh lực lượng chức năng. Nhiều vụ chúng tôi phải phối hợp với cộng tác viên quay phim, chụp ảnh làm chứng cứ mới có thể xử lý được họ".
Theo thống kê của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Gai, từ tháng 10/2023 đến hết tháng 10/2024, Đồn đã tham gia Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá trên địa bàn TP Hạ Long, bắt giữ 24 vụ/24 đối tượng/24 phương tiện vi phạm về lĩnh vực thủy sản. UBND TP Hạ Long đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 24 đối tượng với số tiền là 424.500.000 đồng, tiêu hủy 10 giã cào bằng sắt.
“Tiếp thu phản ánh của Báo Đại Đoàn Kết, chúng tôi sẽ trao đổi với các lực lượng, đưa ra các biện pháp phối hợp, tăng cường tuần tra, xử lý. Bên cạnh đó các lực lượng liên ngành cùng phối hợp tuyên truyền cho ngư dân về vùng đánh bắt và ngư cụ cấm đánh bắt” - Trung tá Nguyễn Quang Doanh nói.