Đã bước vào năm học mới chính thức được 2 ngày, nhưng nhiều phụ huynh vẫn đôn đáo đi xin SGK cũ, hoặc mượn bạn bè bản sách giáo khoa (SGK) gốc để photo cho con học. Cùng với đó, những đồ dùng học tập cũng phải tận dụng từ năm học trước vì khó mua đồ mới. Chưa bao giờ đồ cũ lại trở nên quý giá như ở năm học này- đó là cảm nhận chung của cả phụ huynh và học sinh.
Vẫn thiếu SGK
Chiều 6/9, chị Trần Thị Dung có con học trường Tiểu học Thành Công A (Ba Đình- Hà Nội) phải nhờ người quen đi photo SGK lớp 5 cho con. Chị chia sẻ, dù đã đặt mua sách từ trước năm học mới, nhưng hiện tại không ít học sinh của trường vẫn chưa có bản SGK chính thức. Do đó, đi photo từ sách mới, hoặc xin lại sách cũ là giải pháp của các bậc phụ huynh. Chị Mai Thị Hoa có con học lớp 11 trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì- Hà Nội) cũng lo lắng khi năm học mới đã đi qua 1-2 ngày, nhưng con chị và nhiều học sinh khác vẫn chưa có SGK để học. Theo chia sẻ của các phụ huynh, việc học bản SGK giấy có nhiều thuận lợi hơn, nên cho dù trên mạng có bản SGK số hóa thì các học sinh vẫn muốn được tiếp cận với SGK bản chuẩn, in trên giấy.
Dẫu thế, việc thiếu SGK và đồ dùng học tập đang là nỗi lo chung, bởi tình hình Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chưa biết đến khi nào Hà Nội mới ngưng giãn cách. Không chỉ thiếu thốn đồ dùng học tập, nhiều gia đình còn thiếu cả phương tiện để các cháu học trực tuyến. Trong khi SGK, máy tính không phải mặt hàng thiết yếu, nên máy tính đã cũ, hoặc máy tính hỏng hóc cũng chưa biết mua, hoặc sửa chữa ở đâu…
Giá tăng vô tội vạ
SGK lớp 2 và lớp 6 tăng giá được các NXB lý giải là năm nay dùng SGK mới, còn giá SGK các khối vẫn giữ nguyên như cũ. Cụ thể, giá bộ SGK lớp 2 mới tăng từ 179.000 đồng - 203.000 đồng/bộ; SGK lớp 6 tăng từ 234.000 đồng - 259.000 đồng/bộ .
Với dụng cụ học tập, chính vì hàng khan hiếm, nên đồ dùng học tập của học sinh còn bị đẩy giá vô tội vạ. Vở ô li học sinh (tiểu học) tăng giá gấp đôi so với bình thường lên 130.000 đồng/10 quyển. Trong khi giá cũ chỉ khoảng 6000- 7000 ngàn đồng/ quyển. Compa nhãn hiệu Dely của Trung Quốc chỉ 34.000 đồng thì nay lên 45.000 đồng/chiếc. Các loại bút máy nét hoa, bút bi, bút nước, bút dạ... của Hồng Hà, Thiên Long, Bến Nghé... được các cửa hàng tăng giá bán từ 20-30% so với năm ngoái.
Các cửa hàng thiết bị học tập không được hoạt động công khai, thì họ hoạt động “chui”. Phụ huynh không được đến mua hàng trực tiếp, thì các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ có dịch vụ ship hàng đến tận nhà. Tiền đồ dùng + tiền ship cho mỗi chuyến từ 25 000 - 30.000 đồng khiến phụ huynh xót ruột. Mua hàng gián tiếp cũng lại gặp nhiều rủi ro như mẫu vở không đúng, mẫu bọc sách/ vở không vừa, các loại bút theo yêu cầu của GVCN cũng không đúng khi hàng ship đến…Bao phiền phức cũng từ đó mà phát sinh.
Nhiều phụ huynh phải tìm mọi cách mua SGK trên mạng cho con với gia đắt gấp đôi bình thường. Chị Nguyễn Thanh Hồng (Thanh Xuân- Hà Nội) đã phải bỏ ra hơn 900.000 đồng mua bộ SGK cho con học lớp 5, chưa kể gần 300.000 đồng đồ dùng học tập.
Theo nhận định của phụ huynh, chưa bao giờ việc mua SGK và đồ dùng học tập khó như năm nay. Cuối cùng học sinh vẫn là đối tượng thiệt thòi nhất.
SGK vẫn chưa phải là mặt hàng thiết yếu?
Trước đó, từ trung tuần tháng 8, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, đã có công văn gửi tới UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển SGK nhằm kịp thời cung ứng đầy đủ SGK cho học sinh trước ngày khai giảng. Cục Xuất bản- Bộ TT&TT cũng đã đề nghị Sở TT&TT Hà Nội, Sở TT&TT TPHCM xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền đưa SGK vào nhóm hàng hóa thiết yếu theo thẩm quyền của địa phương để tạo điều kiện tối đa đưa SGK đến với học sinh trước khi năm học mới bắt đầu. Cùng đó, Bộ GDĐT cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh thành phố về việc tạo điều kiện thuận lợi phát hành SGK phục vụ năm học mới.
Dẫu thế, cho đến thời điểm này SGK vẫn nghẽn. Vậy nguyên nhân do đâu?
Theo qui định, SGK chưa nằm trong danh sách hàng hóa thiết yếu, nên hiện các Sở GDĐT Hà Nội, TP HCM đã trình văn bản đến UBND thành phố về việc tạo điều kiện vận chuyển SGK đến các trường.
Tại Hà Nội, Sở GDĐT Hà Nội đã trao đổi với Sở GTVT để thống nhất việc phát hành, vận chuyển SGK lớp 2, lớp 6 đến tay học sinh. Được biết, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản thống nhất chủ trương về việc cấp mã xác nhận phương tiện phục vụ chuyển phát dụng cụ học tập tại các trường học. Do đó, những đơn vị liên quan tạo điều kiện để phương tiện chở SGK được lưu thông thuận lợi qua các chốt kiểm soát, bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Sách được NXB Giáo dục Viêt Nam vận chuyển đến các trường, sau đó nhà trường đóng bộ và chuyển tới tay học sinh theo đăng ký của phụ huynh.
Tại TP HCM, thông tin từ Sở GDĐT cho biết, hiện lực lượng quân đội, công an đã hỗ trợ chuyển SGK đến tận tay phụ huynh và hầu hết học sinh đã nhận được sách. Chỉ còn một số gia đình ở xa như các huyện Bình Chánh, Hóc Môn là chưa nhận được.
Dẫu vậy, trước tình trạng ứng phó lâu dài với dịch bệnh, phụ huynh có tâm tư chung: Để xác định SGK có phải là hàng hóa thiết yếu hay không, chúng ta cần chỉ rõ các yếu tố gồm: Học tập theo quy định pháp luật hiện hành có phải là nhu cầu cơ bản của học sinh hay không? SGK có phải là tài liệu giáo dục không thể thiếu hoặc không thể thay thế hay không?
Trong khi Điều 32 Luật giáo dục năm 2019 khẳng định: SGK triển khai chương trình GDPT, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình GDPT về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh…;SGK thể hiện dưới dạng sách in, sách chữ nổi Braille, sách điện tử. Như vậy SGK chính là tài liệu học tập không thể thiếu, phải được coi là phương tiện (mặt hàng) thiết yếu giúp học sinh theo học chương trình GDPT hiện hành.