Để có dòng điện cho quốc gia, rất nhiều hộ dân lòng hồ Thủy điện Hòa Bình đã chấp nhận di dời. Nhưng sau gần 20 năm, họ vẫn phải chịu cảnh “sống vén” rất khó khăn.
Nhiều hộ dân rơi vào tình thế cô lập khi nước lên.
Sau khi di dời các hộ thuộc vùng lòng hồ để làm thuỷ điện Hoà Bình thì hầu hết họ đã dựng được nhà, được cấp đất sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, dần ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, khi thuỷ điện Hoà Bình tích thêm nước thì nhiều hộ lại phải chấp nhận cảnh “sống vén” lên cao hơn.
Ngoài cuộc sống “chạy nước” thì diện tích đất canh tác cần có, vốn eo hẹp của họ lại bị cạn kiệt dần. Để có đất mưu sinh, cực chẳng đã, họ tự tìm đất làm nhà, phát hoang đất đồi để canh tác. Có khi làm cả vào rừng phòng hộ. Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nay ở các xã vùng lòng hồ sông Đà như Đồng Ruộng, Toàn Sơn, Cao Sơn thuộc huyện Đà Bắc.
Vì cuộc sống “chạy nước”, họ phải chấp nhận xa dần những nơi dân cư, sống trong cảnh không đường, không điện, xa trường học. Ông Quách Công Lâm, cán bộ xã Đồng Ruộng cho biết: Vừa qua, UBND xã khảo sát thống kê còn gần nhiều hộ chủ yếu ở xóm Chông và xóm Nhạp sống trong cảnh như vậy. Không có chỗ ở nên nhiều hộ lấy đất ven rừng phòng hộ làm nhà, phát rừng lấy đất trồng ngô, trồng sắn.
Việc lấn rừng phòng hộ là sai mục đích, trái pháp luật nhưng nhiều hộ vẫn làm vì không biết đi đâu và nếu không làm như vậy sẽ không có đất. Những hộ này sống thành từng chòm dân cư phát hoang đất trồng ngô. Chòm nhiều thì 7 hộ, ít nhất là 2 hộ, điều kiện sinh hoạt đều khó khăn. Trong những hộ đó có hộ anh Bùi Văn Đấu ở xóm Chông.
Gia đình anh Đấu hiện có 3 khẩu. Từ ngày di dời lên xóm Chông vợ chồng anh phát hoang đồi cạnh rừng phòng hộ trồng ngô, sắn cuộc sống bấp bênh. Không có đường, không có điện, đi xuống xã chỉ đi bằng đường mòn. Anh tâm sự: sống như này bao năm rồi khổ lắm, con cái đi học toàn đi đường rừng. Tôi mong muốn mình về được nơi định cư mới. Tuy nó xa nơi mình đã quen sống nhưng vì con cái vì cuộc sống sau này của mình.
Cũng như gia đình anh Đấu, gia đình ông Lường Văn Tỵ ở xóm Chông có 5 khẩu trong đó có 3 lao động chính. Bao năm nay từ khi dời nhà lên đây cả nhà ông chỉ dựa vào ít đồi trồng ngô. Do đất đồi cao, không có điều kiện đầu tư nên trồng ngô năm được năm mất. Khi nào mất mùa ngô cả nhà sống dựa vào rừng. Rừng có gì thì kiếm ăn cái ấy, muốn cái thiện thì phải xuống sông, suối bắt cá. Nhưng do môi trường cạn kiệt nên việc đánh bắt cá cũng không phải dễ dàng.
Được biết, để giải quyết vấn đề này, Chi cục Định canh định cư tỉnh Hòa Bình đã đưa ra nhiều phương án trong đó có việc triển khai các điểm định canh định ở các khu vực như suối Kẻ, xóm Mít, Tu Lý để chuyển các hộ dân về. Khi về điểm định canh định cư mỗi hộ được cấp 400m2 đất ở và khoảng 5.000m2 đất để sản xuất. Với sự quan tâm này, hy vọng tới đây các hộ dân ở lòng hồ Thủy điện Hòa Bình sẽ bớt đi những vất vả cho mình.