Du lịch ghép tạng là hình thức buôn bán tạng trá hình. Tình trạng buôn bán tạng và ghép tạng du lịch vẫn diễn ra phức tạp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, nhờ hành lang pháp lý rõ ràng nên số người hiến mô, bộ phận cơ thể gia tăng. Đáng chú ý, 15 năm trở lại đây Việt Nam thực hiện được khoảng 5.000 trường hợp ghép gan, thận, tim, phổi,… Một cơ thể hiến có thể cứu được 6 người.
“Mặc dù số lượng người hiến gia tăng, song vẫn còn hàng chục ngàn người có nhu cầu ghép gan, thận, não,… Làm sao trong thời gian tới tăng lượng người hiến tạng, hiến mô”- Thứ trưởng Sơn trăn trở.
Liên quan đến vấn đề hiến mô, bộ phận cơ thể người cho y học, GS Trần Ngọc Sinh thông tin, sau 29 năm Việt Nam đã ghép đủ các nội tạng và bộ phận như thế giới đang làm. Tính đến thời điểm hiện nay đã có hàng trăm trường hợp hiến thận nhân đạo từ người hiến chết não và đang nghiên cứu nguồn hiến nhân đạo chết tim. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều bất cập trong việc mua bán mô, bộ phận cơ thể người. Đặc biệt, tình trạng buôn bán tạng và ghép tạng du lịch vẫn diễn ra.
Luật pháp Việt Nam quy định, cấm buôn bán tạng phủ nhưng người nước ngoài tới Việt Nam thì không bị luật điều phối. Chẳng hạn, một người nước ngoài đưa người sang Việt Nam thực hiện ghép tạng, các bác sĩ có thể biết đây là ca mua bán tạng qua hình thức du lịch nhưng chưa có luật cấm đối với người nước ngoài. Song song đó, có nhiều trường hợp làm giấy tờ giả để hợp thức hóa việc mua bán tạng.
Đơn cử, mới đây tại Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện một cặp vợ chồng đến đăng ký ghép tạng. Nghi ngờ công an điều tra thì phát hiện giấy tờ kết hôn giả và được biết mỗi tháng người phụ nữ này chuyển cho người đàn ông đăng ký hiến tạng 20 triệu đồng.
Giáo sư Sinh nêu thực trạng, toàn quốc có 20 trung tâm thực hiện ghép thận, tuy nhiên rất ít trung tâm tôn trọng quy tắc không trao đổi tài chính giữa người cho và nhận hoặc dưới các hình thức trá hình. Thậm chí, có trung tâm lãnh đạo giương cao ngọn cờ nhân đạo trong ghép tạng, tuy nhiên nhân viên luôn tìm cách lách luật rồi bán công khai hoặc bán thông qua các hình thức khác nhằm tăng thu nhập cho bệnh viện.
GS Sinh cho rằng, các bệnh viện cần sớm khẳng định ghép vì nhu cầu bệnh nhân sẽ không có thu nhập gì cho bệnh viện hay cá nhân nhân viên. Ông Sinh lý giải thêm, tại các nước phát triển, quỹ bảo hiểm y tế chi mạnh cho ghép thận nhằm giải phóng bệnh nhân lọc máu, nên ghép nhiều, nên nhân viên có thu nhập nhiều từ thù lao.
Đối với tạng khác, do chi phí cao nên thường phải cho chỉ tiêu cụ thể theo theo ngân sách hàng năm. Trong khi đó, tại các nước nghèo, ghép thận để tìm thu nhập chỉ có cách là buôn bán thận công khai hay trá hình.
“Ghép thận tại Việt Nam cần sớm khẳng định ghép vì nhu cầu bệnh nhân, sẽ không có “thu nhập” gì nhiều cho bệnh viện hay cá nhân nhân viên”- vị GS nhấn mạnh.
Nhìn nhận về vấn nạn buôn bán mô tạng, cơ thể người, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế quan ngại: Việc mua bán mô, bộ phận cơ thể người giữa người cần tạng và người bán tạng sẽ không thể thực hiện được nếu không có bên thứ ba là các cơ sở y tế. Ông Quang đặt vấn đề, tại sao Hội Ghép tạng Việt Nam chưa tham gia vào Tuyên ngôn Insabul về chống buôn lậu tạng và chống du lịch ghép tạng. Việt Nam cần có suy nghĩ về vấn đề này”?
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho rằng, cần sớm sửa đổi bổ sung Luật Hiến lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác. Xác định rõ tạng hiến là quà tặng sự sống, là tài sản quốc gia không thuộc sở hữu riêng của cơ sở y tế nào; tuân thủ Tuyên bố về phòng chống buôn bán tạng.
Theo thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, tổng số ghép tạng cả nước đến cuối năm 2020 chỉ có 5.587 ca và hiện có 402.57 người đăng ký hiến tạng. Hiện nay một số trung tâm ghép tạng tại Việt Nam chưa thành lập hội đồng chết não. Ghép tạng nhưng chưa có giấy phép. Ghép tạng cho bệnh nhân chưa có trong danh sách chờ ghép tạng quốc gia. Chưa cơ đơn vị điều phối ghép tạng tại các cơ sở ghép...