Tỷ lệ nam nữ không cân đối ở Trung Quốc, cùng với đà bùng nổ kinh tế trong suốt 2 thập kỷ qua ở nước này, đã khiến cho những người đàn ông nghèo rất khó khăn trong việc kiếm một cô vợ trong bối cảnh nhà gái thách cưới quá cao.
Tiền thách cưới ngày càng cao khiến nhiều đàn ông nghèo
không thể lập gia đình (Nguồn: Oddcentral).
Thách cưới là một truyền thống đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua ở Trung Quốc và đến nay vẫn cònphổ biến. Truyền thống này đòi hỏi nhà trai phải trả cho nhà gái một khoản tiền nhất định để được phép cưới con gái của họ. Trong những thập kỷ 60, 70, thách cưới thường tồn tại dưới dạng quà cáp hay chỉ đơn giản là chiếc đệm sưởi ấm đặt dưới giường. Trong những năm 80, vô tuyến và tủ lạnh trở thành món quà thách cưới thịnh hành ở nước này.
Nhưng kể từ những năm 90, khi nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ, thách cưới quy ra hết bằng tiền mặt và món tiền này ngày càng tăng theo thời gian, tùy thuộc vào yêu cầu của phía nhà gái.
Nhưng, lời giải thích cho việc giá thách cưới ngày càng gia tăng ở Trung Quốc là do sự mất cân đối giữa hai giới ở nước này. Người dân Trung Quốc, do chính sách một con, thường thích sinh con trai để nối dõi, điều này đã khiến tỷ lệ sinh con trai gia tăng. Theo một nghiên cứu của Đại học Havard, cứ 118 bé trai ra đời thì chỉ có 100 bé gái ra đời ở Trung Quốc. Tỷ lệ này còn tăng cao hơn ở khu vực nông thôn.
Zhang Hu, một người đàn ông trẻ tuổi sống ở một ngôi làng nghèo khó gần miền núi, mới đây đã phải vay mượn 150.000 NDT (22.000 USD) để trả tiền thách cưới lên tới 130.000 NDT (19.000 USD).
“Làng tôi quá nghèo đến nỗi chả có cô gái nào muốn cưới chồng ở đây” – Zhang nói – “Và bạn càng nghèo thì giá thách cưới càng cao”.
Thách cưới ngày nay được coi là một vấn nạn ở Trung Quốc. Hồi năm ngoái, một câu chuyện gây sốc đã xuất hiện trên mạng xã hội nước này, trong đó có một người đàn ông muốn cưới cô bạn gái đã mang bầu của anh, nhưng người cha của cô gái nọ yêu cầu anh trả thách cưới tới 30.000 USD.
Không thể trả nổi khoản tiền thách cưới, đôi trai gái không thể đến được với nhau, cô gái buộc phải đi phá thai. Nhưng phản ứng mà cư dân mạng đưa ra càng gây lo ngại hơn, bởi phần lớn người dân đều bảo vệ quyết định của người cha, trong khi chỉ trích đôi trai gái vì đã đến với nhau mà không nghĩ tới hậu quả. Bên cạnh vấn đề đó, sự phát triển kinh tế nhanh chóng của vùng nông thôn Trung Quốc cũng khiến nhiều gia đình có con gái ngày càng đòi hỏi khoản tiền thách cưới cao hơn, thậm chí đòi hỏi con rể tương lai phải có một căn hộ ở thành thị, hay xe hơi.
Ông Chen Weimin, Giám đốc nghiên cứu vấn đề dân số và phát triển tại ĐH Nam Kinh, Thiên Tân, nói rằng ngày nay một chú rể “cần phải” có một căn hộ ở thành thị mới có thể cưới vợ.
“Dân làng trước đây thường tổ chức tiệc cưới tại gia, nhưng giờ họ lại muốn tổ chức ở khách sạn, dùng xe hạng sang để đưa dâu…” – ông Chen nói.
Sự việc thậm chí còn tồi tệ hơn ở khu vực thành thị. Theo một báo cáo mới đây, chính phủ nước này cho hay ở các thành phố lớn như Thượng Hải, giá thách cưới lên tới 1 triệu NDT (145.000 USD). Con số này đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây.
Hồi năm ngoái, thông tin về một cô dâu ở Phúc Kiến nhận tiền thách cưới lên tới 3,8 triệu NDT (550.000 USD) đã không khỏi khiến cư dân mạng nước này choáng váng.