Lòng vòng mãi mới có cây xăng bán hàng mà chỉ bán 30.000 đồng/lượt đối với xe máy và 400.000 đồng/lượt đối với ô tô. Thực tế “khó như đi mua xăng” không chỉ diễn ra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều địa phương khác. Phải chăng những bất cập của thị trường xăng dầu đã lộ diện? Ở góc độ điều hành, các cơ quan quản lý nhà nước nói gì và giải pháp cho thời gian tới ra sao?
Dù Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định nguồn cung xăng dầu vẫn đảm bảo, những chi phí phát sinh trong giá cơ sở xăng dầu sẽ được cập nhật. Song trên thực tế, các điểm bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt ngày càng nhiều.
Đi 3 nơi mới đổ được bình xăng
Tại Hà Nội, trong hai ngày cuối tuần 5 và 6/11, nhiều cây xăng tiếp tục đóng cửa nghỉ bán, bán theo giới hạn. Những cây xăng mở cửa bán hàng thì luôn trong tình trạng quá tải, người xe chen chúc, xếp hàng dài chờ 15, thậm chí 30 phút mới đến lượt đổ xăng.
Ông Bùi Lê Huyền, ở Mỹ Đình, cho biết tối ngày 5/11, các cây xăng bán lẻ quanh khu vực đều đóng cửa hết. Nhà ở Mỹ Đình, muốn đổ được xăng ông phải đi vòng vòng qua 3 cây xăng lên tận giữa đường Láng.
Thông tin cây xăng nghỉ bán xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Chị Nguyễn Thu Trang (Ngõ Quỳnh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết vào ngày 6/11, ở Phố Yên Bái (quận Hai Bà Trưng nơi chị làm việc) có cửa hàng xăng dầu. Từ trước tới giờ chị chẳng bao giờ phải nghĩ nhiều về việc đổ xăng vì quá gần, đổ rất tiện, nhưng mấy ngày nay cây xăng ở phố Yên Bái đóng cửa không bán hàng.
“Thay vì chỉ mất 5 phút mua được xăng, nay tôi phải đến cây xăng ở phố Trần Khát Chân đổ, mỗi lần xếp hàng chờ hết 20 phút mới đến lượt” - chị Trang nói. Còn cửa hàng xăng giữa phố Võ Thị Sáu - Thanh Nhàn muốn đổ được thì phải chờ 30 phút mới đến lượt.
Anh Hoàng Xuân Thành (42 tuổi) chia sẻ: "Công việc phát triển thị trường của tôi yêu cầu phải đi lại rất nhiều, thường thì 3 ngày tôi đổ xăng 1 lần nhưng từ khi một số cây xăng bán hàng kiểu nhỏ giọt thì số lần tôi phải đổ xăng lại nhiều thêm. Sáng đi làm, tối về là tôi lại rẽ vào cây xăng xếp hàng để đổ dù biết trong bình, xăng vẫn còn. Biết là mất thời gian nhưng phải chịu còn hơn là đi gần hết bình xăng mà trong trường hợp gặp cây xăng không bán hàng thì không biết phải làm như thế nào?”.
Khi các cây xăng không bán hàng thì những ngày qua lại mọc lên những điểm bán lẻ bên đường. Điều nguy hiểm nhất là các dụng cụ chứa xăng dầu của “điểm bán di động” rất sơ sài, chủ yếu bằng những chai, can nhựa.
Kiểm tra các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm
Trước tình trạng mua bán xăng dầu khó khăn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị trực thuộc kiểm tra các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay trên thị trường…
Việc một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh, hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý người dân, doanh nghiệp (DN).
Để ổn định thị trường xăng dầu, Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương và lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình, yêu cầu các đơn vị hoạt động đúng theo nội dung Giấy xác nhận đủ điều kiện đã được cấp, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên địa bàn.
Riêng đối với trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, Quản lý thị trường phối hợp với Sở Công thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định; kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù là bất kể thương nhân ở loại hình nào.
Công an thành phố phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng có liên quan xử phạt các hành vi vi phạm về xăng dầu theo quy định. Các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ việc cung ứng, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, đảm bảo thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về kinh doanh xăng dầu; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng, giảm thời gian bán hàng, tạo khan hiếm xăng dầu trên địa bàn để trục lợi.
Gấp rút các biện pháp tháo gỡ
Ngày 5/11, trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống. Khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường phòng, chống buôn lậu, đầu cơ xăng dầu và công tác giám sát, kiểm tra, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ngày 6/11, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, tỉnh Trà Vinh khẳng định, thị trường xăng dầu ngày càng bất ổn, DN đang thua lỗ, nhất là bán lẻ xăng dầu.
Ông Tây đánh giá, hiện nay, kinh doanh xăng dầu không thể tách rời với chiết khấu, khi nhà nước còn quản lý giá. Thị trường bất ổn do DN bán lẻ khó khăn, trong khi đây là thành phần quan trọng giao dịch; tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân và tác động mạnh đến toàn xã hội. Bởi hoạt động của DN có rất nhiều chi phí, nhất là hạch toán giá vốn phải hạch toán theo giá bình quân gia quyền của hàng tồn kho theo quy định của Luật Kế toán, kể cả chi phí cơ hội để có được khách hàng cũng phải hạch toán. Trong khi đó, giá bán lẻ áp còn thấp hơn giá thực tế.
“Cơ quan quản lý cũng công nhận điều đó, nhưng lại muốn DN bán lẻ chia sẻ bằng cách chịu lỗ - ông Tây nói.
Như vậy, những bất cập của thị trường xăng dầu đã lộ diện, thậm chí có nguy cơ gây bất ổn, khi ngày càng nhiều cây xăng muốn đóng cửa. Ở góc độ điều hành, các cơ quan quản lý nhà nước đã đến lúc phải gấp rút áp dụng các biện pháp tháo gỡ.
Nhiều DN phân phối xăng dầu kiến nghị nên qui định lợi nhuận định mức của DN bán lẻ không nhỏ hơn 7%/trên giá bán lẻ, xem như đây là công cụ đặc biệt để ổn định thị trường, không để cho DN đầu mối ép DN bán lẻ như vừa qua dẫn đến DN bán lẻ đóng cửa hàng loạt.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, tình trạng đứt gãy nguồn cung đang ở khâu bán lẻ. Thực tế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng, dầu phản ánh càng kinh doanh càng lỗ nên phải đóng cửa, vì nhà bán lẻ cũng có nhiều loại chi phí (nhân công, mặt bằng, phòng chống cháy nổ…) nên cần có tỷ lệ chiết khấu tối thiểu để duy trì hoạt động kinh doanh. Nếu trong thời gian dài hạn, thị trường biến động mạnh với chiết khấu 0 đồng thì họ khó có thể duy trì kinh doanh.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính:
Sớm gỡ “nút thắt” khơi dòng nguồn cung
Thứ nhất là cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu (kể cả ở thị trường không có thuế xuất ưu đãi) và chấp nhận mức thuế suất cao vào trong giá cơ sở để chủ động nguồn cung. Bên cạnh đó, cơ quan điều hành tính toán tăng thêm hạn mức tín dụng cho DN nhằm bám sát những thay đổi của thực tế, bao gồm chi phí và giá thị trường. Thứ hai là điều chỉnh các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu (đã lỗi thời) theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ.
Thứ ba là hướng dẫn các đầu mối, các thương nhân phân phối theo nguyên tắc phân chia khoản chi phí định mức cho từng khâu, để tránh tình trạng chèn ép nhau trong thỏa thuận phân chia chi phí, từ đó chấm dứt tình trạng chiết khấu 0 đồng (cơ quan nhà nước có thể hướng dẫn tỷ lệ tối thiểu cho từng khâu trong tổng số chi phí kinh doanh định mức). Thứ tư, bãi bỏ ngay quy định các DN phân phối mua xăng dầu từ nhiều đầu mối. Quy định này khiến cho thương nhân đầu mối không thể chủ động nguồn cung cho các nhà phân phối. Do đó có thể thay thế uy định trên bằng việc DN phân phối phải đăng ký, cam kết số lượng mua, hệ thống của hàng quản lý và chỉ được mua hàng của hai cơ sở đầu mối.
Cuối cùng là đổi mới chu kỳ tính giá theo hướng rút ngắn từ 10 ngày xuống 5 ngày, phù hợp với phương thức mua bán 2-1-2 tránh tính giá thế giới bình quân gồm các ngày nghỉ. Trong đó, ngày điều hành giá trong nước không đẩy lùi nếu trùng vào ngày nghỉ, lễ tết, điều này nhằm phản ánh sát hơn biến động của giá thế giới đồng thời giảm sự “lệch pha” giữa giá trong nước với giá thị trường thế giới.
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính:
Xây dựng bộ máy phân phối tinh gọn, hiệu quả
Cần phải tính toán xây dựng bộ máy phân phối xăng, dầu một cách tinh gọn, linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ DN đầu mối xuống đến cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất. Trong đó, Bộ Công thương cần tiếp tục chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng, dầu đầu mối chủ động tìm kiếm các nguồn hàng có mức giá tốt, tiết giảm chi phí.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng cần tăng cường điều hành về cung ứng, phân phối, lưu thông hàng hóa; các cơ quan quản lý thị trường tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật.
T.Hằng (ghi)