Vào rạng sáng mai (11/2), hiện tượng nguyệt thực nửa tối sẽ diễn ra và về lý thuyết người yêu thiên văn Việt Nam có thể quan sát một phần hiện tượng này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: upi.com).
Theo anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, hiện tượng này dễ quan sát ở châu Âu, châu Phi, Tây Á hoặc bờ Đông châu Mỹ. Còn tại Việt Nam, việc quan sát là không thực sự thuận lợi.
Nguyệt thực nửa tối lần này bắt đầu vào khoảng 5 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) và vào thời điểm này Mặt Trăng bắt đầu đi vào bóng nửa tối của Trái Đất và một bên rìa của Mặt Trăng bắt đầu tối đi. Khi đó, Mặt Trăng ở rất thấp, gần chân trời phía Tây và người quan sát phải chọn vị trí phù hợp, không có vật cản tầm mắt.
Anh Sơn cũng cho biết, ngay cả khi có góc nhìn tối ưu và thời tiết ủng hộ thì việc quan sát hiện tượng này tại Việt Nam cũng không được lâu. Người yêu thiên văn chỉ quan sát được giai đoạn đầu của nguyệt thực (từ khoảng 5 giờ 30 phút tới 6 giờ, trong khi thời điểm cực đại của hiện tượng vào khoảng 7 giờ 40 phút).