Ngày 28/6, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo “Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của TPHCM”.
Góp phần tinh gọn bộ máy
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết, thực hiện các chủ trương của Trung ương về việc sắp xếp đơn vị hành chính, TPHCM đã xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Bà Thúy đánh giá việc sắp đơn vị hành chính góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội; đảm bảo sự đồng thuận của nhân dân, gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Báo cáo về triển khai việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2030 của TPHCM, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố cho hay, hiện thành phố có 273 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 210 phường, 5 thị trấn và 58 xã. Sau khi sắp xếp, đơn vị hành chính cấp xã giảm 39 đơn vị.
Ví dụ, quận 3 có 4 phường, sắp xếp thành 2 phường mới; quận 4 có 6 phường được sắp xếp còn 3 phường; quận 5 có 8 phường, sắp xếp thành 4 phường. Hay như một quận nhiều phường nhất là Bình Thạnh có 13 phường được sắp xếp chỉ còn 7 phường…
Ảnh hưởng đến công tác quản lý
Ở chiều tác động ngược lại, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho rằng, do số lượng sắp xếp lớn nên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước, với đặc thù quận, huyện, phường, xã của TPHCM có diện tích nhỏ nhưng dân đông, vượt nhiều so với quy chuẩn. Nếu nhập hai đơn vị hoặc ba đơn vị thành đơn vị mới cũng không đạt tiêu chuẩn diện tích theo quy định.
Không chỉ vậy, sau sắp xếp các đơn vị hành chính vừa có diện tích và quy mô dân số lớn hơn, khối lượng công việc nhiều hơn nhưng chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức không tăng nên mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước sẽ không cao.
Cũng đề cập đến những khó khăn, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm thông tin, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi thực hiện phương án sắp xếp khoảng hơn 1 nghìn người, việc sắp xếp này sẽ gặp nhiều trở ngại do đa số đã được chuẩn hóa theo quy định, nhất là số cán bộ trẻ, số này cần có lộ trình và thời gian để tinh gọn.
Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản, trụ sở dư thừa do sáp nhập cũng khó giải quyết hợp lý, gây lãng phí, không hiệu quả trong khi trụ sở mới cần được đầu tư mới với số lượng và kinh phí lớn. Một số trụ sở sẽ khó khăn khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, chuyển mục đích sử dụng.
Cuộc sống của người dân sẽ bị xáo trộn trong giai đoạn đầu do thay đổi về địa điểm giao dịch, thay đổi về thủ tục hành chính, thay đổi các loại giấy tờ có liên quan…
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề nghị, UBND thành phố sớm ban hành hướng dẫn theo thủ tục rút gọn và căn cứ vào những khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết trên cơ sở tôn trọng ý kiến tại địa phương, tránh máy móc để xác định rõ “nhóm nhiệm vụ cần thực hiện sau”, tránh tình trạng “làm hàng ngang” trong khoảng thời gian eo hẹp dẫn đến trì trệ, không đúng tiến độ đề ra.
“Cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương”, ông Hậu mong muốn.