Những ngày này truyền thông cũng như xã hội nóng ran chuyện đăng kiểm ô tô. Nóng không chỉ là việc hàng loạt trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa, nhiều người bị bắt tạm giam mà còn nóng ở chuyện các chủ xe chen nhau đi đăng kiểm, các trung tâm đăng kiểm quá tải. Có người phải xếp hàng xuyên đêm, thậm chí là đợi nhiều ngày để được đăng kiểm, có nghĩa là chen chúc nhau để thực thi pháp luật giao thông đường bộ, một việc chưa từng thấy.
Chấn chỉnh sai phạm, tiêu cực tại hệ thống đăng kiểm, nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng phát giác, xử lý bước đầu. Ngày 11/1 có thể coi là “cao điểm” khi Cục Đăng kiểm Việt Nam công bố danh sách 33 trung tâm đăng kiểm ở khu vực miền Nam và khu vực miền Bắc đang tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan điều tra hoặc thiếu nhân sự và vì một số lý do khác.
Cũng trong ngày 11/1, Công an TPHCM ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, về tội nhận hối lộ.
Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, đến nay các đơn vị thuộc Công an TPHCM đã khởi tố 84 bị can trong vụ án tiêu cực về đăng kiểm. Trong đó, 80 bị can là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên trung tâm đăng kiểm và đối tượng môi giới. Bước đầu xác định có hơn 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo dạng “làm luật”.
Trở lại với việc chen nhau đi kiểm định ô tô tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, lý do là hàng loạt trung tâm đăng kiểm dừng hoạt động. Thứ nữa, các chủ xe sợ rằng nếu không đăng kiểm được thì tết này không dám chạy xe ra đường.
Vậy, có cách nào giải tỏa ùn ứ đăng kiểm ô tô, không làm các chủ xe quá vất vả hay không?
Ngoài việc các trung tâm đăng kiểm (còn hoạt động) tăng ca hết công suất, “gánh” cho các trạm dừng hoạt động thì nhiều ý kiến cho rằng Bộ Giao thông vận tải cần nhanh chóng làm lại quy trình đăng kiểm trên cơ sở tham khảo quy trình của các nước phát triển. Nói như PGS Phạm Xuân Mai - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông (Trường ĐH Bách Khoa TPHCM) thì tình trạng ùn tắc tại các trạm đăng kiểm hiện nay ngoài nguyên nhân số lượng trạm đăng kiểm ít do nhiều trạm phải ngừng hoạt động vì phát hiện tiêu cực, còn có nguyên nhân do quy trình đăng kiểm bất hợp lý khiến số lượng phương tiện phải đi đăng kiểm tăng lên không cần thiết. PGS Mai dẫn chứng, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, ô tô 2 năm mới phải đăng kiểm 1 lần, trong khi ở Việt Nam chu kỳ đăng kiểm là 1 năm hoặc 6 tháng tùy loại phương tiện. Các phương tiện mới vừa mua cũng phải đi đăng kiểm trong khi xe mới đã được kiểm tra rất kỹ lưỡng theo các quy trình nghiêm ngặt của các hãng sản xuất ô tô.
Từ đó, PGS Mai kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần soạn thảo lại các quy định đăng kiểm các loại xe khoảng 2 năm/lần, xe mới sản xuất (nhập hoặc mới sản xuất trong nước) thì đăng kiểm sau 3 - 4 năm cho lần đầu và 2 năm cho các lần tiếp theo. Các thiết bị đăng kiểm cũng phải được chuẩn hóa và số hóa để đảm bảo tính khách quan, tránh các tác động của con người vào kết quả kiểm định.
Còn trước mắt, để giải tỏa ùn ứ tại các trung tâm đăng kiểm, gây phiền hà cho người dân thì có lẽ Bộ Giao thông vận tải nên ban hành quy định tạm thời về đăng kiểm theo hướng cho các chủ xe chưa kịp đăng kiểm lùi thời hạn thêm 6 tháng.