Khu vực hợp tác xã (HTX) thời gian qua đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Chưa tương xứng
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định, khu vực HTX đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp – với mức tăng trên 3% và đang hướng đến mục tiêu 4%. Dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng nếu không có HTX, không có kinh tế tập thể thì khó có thể đạt được những thành tựu đáng tự hào trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua.
“Hiện đã có khoảng 400 HTX nông nghiệp thành lập doanh nghiệp (DN) trực thuộc, giúp đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường. Đáng chú ý, khoảng 2.600 HTX đang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, có khoảng 4.500 HTX trước đây chỉ hoạt động ở khâu cung cấp đầu vào thì nay đã tham gia cả khâu đầu ra – tiêu thụ sản phẩm. Trong hơn 15.000 sản phẩm OCOP hiện có thì hơn 38% do các HTX làm chủ thể” - ông Thịnh dẫn chứng.
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo ông Thịnh vẫn còn nhiều HTX hoạt động yếu kém. Đồng quan điểm, ông Phạm Công Bằng - Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam cho biết, khu vực kinh tế tập thể, HTX thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân là do năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, mô hình tổ chức còn bất cập, thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh, quá trình chuyển đổi số diễn ra chậm chạp, phương thức xúc tiến thương mại chưa đa dạng, hiệu quả không cao và chưa thích ứng được với yêu cầu từ thị trường, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra cho khu vực kinh tế tập thể hiện nay là rất lớn, phải chuyển mình mạnh mẽ để hội nhập, cạnh tranh và tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khơi thông nguồn vốn
Theo ông Bằng, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam đã triển khai cho hàng trăm HTX và thành viên vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn không ít HTX quy mô nhỏ đã có bước phát triển đột phá trở thành điển hình tiên tiến, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, có sức lan tỏa rộng rãi nhưng số HTX tiếp cận vốn còn rất ít.
Trên thực tế, việc cấp tín dụng cho các HTX còn gặp khá nhiều khó khăn: Đa số các HTX chưa có trụ sở làm việc, không có nhà xưởng, kho bãi, không có tài sản bảo đảm để vay vốn. Bên cạnh đó, năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh và trình độ lao động của HTX còn nhiều hạn chế.
“Các HTX chưa đáp ứng về vốn đối ứng và hệ thống báo cáo tài chính chưa hoàn thiện, phương án vay vốn kém khả thi, chưa minh bạch về tài chính, dòng tiền, không có hóa đơn chứng từ, hạch toán, kế toán chưa đúng quy định của pháp luật...” - đại diện Agribank nhận định.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Thị Hoài Linh, trong bối cảnh nhu cầu chuyển đổi xanh và phát triển số đang tăng nhanh, các bộ, ngành và địa phương cần phải tạo môi trường phát triển thuận lợi cho HTX. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cần tiếp tục cải tiến thủ tục cho vay theo hướng gọn - nhanh - minh bạch hơn nữa.
“Việc tháo gỡ bài toán về vốn không chỉ giúp HTX phát triển bền vững mà còn góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn và hiện đại hóa khu vực nông thôn” - bà Linh nhấn mạnh.
Để HTX thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn vay, các chuyên gia cho rằng, Liên minh HTX, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và các tổ chức liên quan tăng cường công tác hỗ trợ cho HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác trong việc nâng cao năng lực về tổ chức và tài chính đảm bảo các điều kiện vay vốn. Cùng với đó, các HTX, tổ hợp tác, đặc biệt là các HTX quy mô nhỏ cần đảm bảo việc điều hành, quản lý tài chính an toàn, hiệu quả, minh bạch, sổ sách báo cáo tài chính đầy đủ, đúng quy định.
Theo ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phát triển DN tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), Luật HTX năm 2023 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần đưa chính sách hỗ trợ vào thực tiễn, tạo động lực cho khu vực kinh tế tập thể phát triển. Một điểm nổi bật là quy định miễn, giảm thuế thu nhập DN cho các tổ hợp tác, HTX tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành gắn với kinh tế xanh, tuần hoàn và tri thức. Đặc biệt, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp ngoài việc thụ hưởng chính sách chung còn được ưu tiên tiếp cận vốn, giống, công nghệ khi chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ, sản xuất bền vững. Do đó, các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã cần chủ động nghiên cứu, triển khai Luật HTX năm 2023 và các văn bản hướng dẫn, đồng thời đề xuất nhu cầu hỗ trợ, nhất là về đầu tư hạ tầng, trang thiết bị từ nguồn vốn đầu tư công.