Khó tìm vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Minh Phương 27/04/2018 08:00

Ai cũng biết, để khởi nghiệp, ý tưởng và khát vọng thôi là chưa đủ, yếu tố quan trọng để quyết định khởi nghiệp thành công là vốn. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp cho biết, nếu không có nguồn vốn vay đủ mạnh, tất cả ý tưởng, chiến lược kinh doanh… đều sẽ trở nên bế tắc.

Khó tìm vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần vốn để phát triển.

Anh Trần Trọng Đạt, chủ một cửa hàng bán đồ nội thất online cho biết, do đã được học nghề đồ gỗ từ đời cha truyền lại và thấy xu hướng người tiêu dùng thích sử dụng các đồ nội thất trang trí hiện đại nên anh quyết định khởi nghiệp bằng việc kinh doanh nội thất.

Song anh Đạt cho hay, chỉ có nghề và ý tưởng thôi chưa đủ, sản phẩm nội thất đặt ra yêu cầu cao về nguyên liệu đầu vào nên cần phải có một nguồn vốn không nhỏ để đầu tư. Thế nhưng việc đi vay ngân hàng mà không có tài sản đảm bảo để thế chấp thì rất khó có thể vay được một khoản tiền lớn nên anh Đạt phải tìm vay bạn bè, người thân. Thế nhưng vay ở chỗ thân thì cũng chỉ có hạn.

Chị Nguyễn Minh Thi (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) khởi nghiệp bằng ý tưởng kinh doanh mỹ phẩm xách tay. Nhưng cũng tương tự như anh Đạt, chị Minh Thi không tìm được một nguồn vốn đủ mạnh để có thể mở một shop mỹ phẩm cho riêng mình, nên cũng đành bán hàng theo kiểu “vụ mùa” ai đặt hàng thì chị lấy hộ. “Kiểu kinh doanh nhỏ lẻ này đang là cách khởi nghiệp của nhiều thương nhân hiện nay. Và hoàn toàn không ổn định, cũng khó có thể mở rộng quy mô nếu tiềm lực, quy mô vốn yếu” – chị Thi chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - TS. Vũ Tiến Lộc, đánh giá: Vốn cho khởi nghiệp là vô cùng quan trọng. Ông cho biết, hiện cả nước có khoảng 50 quỹ đầu tư với nhiều hình thức đầu tư cho khởi nghiệp nhưng còn tản mạn và quy mô còn nhỏ. “Hệ sinh thái” mà đặc biệt là “hệ sinh thái” tạo ra nguồn vốn cho khởi nghiệp còn yếu. Bởi thực tế vốn cho khởi nghiệp có tính đặc thù.

Theo vị Chủ tịch VCCI, chúng ta đang nói nhiều đến quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng phải đào sâu nghiên cứu về các quỹ này. Đồng thời tạo cơ chế khuyến khích các quỹ này, để các nhà đầu tư tập trung vào sáng tạo ý tưởng cho khởi nghiệp, còn nguồn vốn khởi nghiệp luôn sẵn sàng. Nguồn vốn cho khởi nghiệp chính là “bầu sữa” cho khởi nghiệp thành công.

Tuy nhiên, cũng cần có những cách thức hợp lý để “bầu sữa” này phát triển. Và để làm được điều này, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh đến vai trò của DN lớn.

Theo đó, DN lớn đi trước sẽ cấp vốn cho nhà đầu tư khởi nghiệp. “Họ có nguồn vốn lớn và trong trách nhiệm xã hội của mình thì hỗ trợ khởi nghiệp là một trong những mục tiêu phát triển cộng đồng lớn nhất. Cần đưa vào chương trình hành động, chi tiêu của các DN, tập đoàn hàng đầu Việt Nam. Các tập đoàn, DN lớn nên dành ra những phần vốn đầu tư cho khởi nghiệp”- ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI nêu quan điểm, vốn đầu tư cho khởi nghiệp không chỉ là tài chính mà còn là vốn xã hội trong mạng lưới phát triển chung. Theo đó, DN đi trước không chỉ cung ứng nguồn vốn tài chính cho DN khởi nghiệp mà còn đưa ra những giải pháp, cách thức quản lý nhằm hỗ trợ DN khởi nghiệp.

“Hãy đặt các nhà khởi nghiệp lên vai của mình để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp. Đó chính là nhiệm vụ của các doanh nhân đi trước” – ông Lộc nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó tìm vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp