Khó xử phạt do Luật Sở hữu trí tuệ còn bất cập

LÊ ANH 11/10/2021 06:20

Thời gian gần đây, nhiều địa phương rất khó xử lý đối với các vụ việc tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ. Nguyên nhân không dừng lại ở tính chất của từng vụ việc mà từ nhiều quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 vốn không còn phù hợp và bộc lộ hạn chế.

Vụ làm nhái nhãn hiệu bia Sài Gòn mới đây đã được TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trả hồ sơ để làm rõ “bia Sài Gòn Việt Nam” có giả nhãn hiệu hay không. Và vấn đề phát sinh trong việc giải quyết vụ án đầu tiên về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp này cho đến nay vẫn chưa thể ngã ngũ. Theo đại diện Viện Kiểm sát, việc tuyên bố “bia Sài Gòn” là nhãn hiệu nổi tiếng thuộc thẩm quyền của Cục Sở hữu trí tuệ và các tình tiết mới phát sinh không thể giải quyết tại phiên tòa.

Có rất nhiều tranh chấp liên quan đến tác giả, đồng tác giả đã được tòa án đưa ra xét xử như vụ “Thần đồng đất Việt”, vụ tranh chấp thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”,... Trong đó, vụ “Thần đồng Đất Việt” kéo dài hơn 13 năm ròng rã, trải qua nhiều lần kiện tụng: 8 lần hòa giải bất thành, 3 lần đổi thẩm phán.

Việc nhiều vụ tranh chấp kéo dài quá lâu dù đã được đưa ra tòa án xét xử là một thực tế trong áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thời gian vừa qua. Luật này đã trải qua nhiều lần sửa đổi vào các năm 2009, 2019 và nay là lần thứ ba, nhưng vẫn nảy sinh những bất cập. Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM đánh giá, sau 15 năm được ban hành, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi cần được sửa đổi, bổ sung ở quy mô lớn.

Việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện Luật Sở hữu trí tuệ là rất cấp thiết do bối cảnh hội nhập quốc tế đang đặt Việt Nam vào sân chơi lớn hơn. Một trong những vấn đề luật cần hoàn thiện gấp rút là “quyền tác giả”. Theo TS Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ngành công nghiệp bản quyền đang đóng góp ngày càng lớn hơn, trong đó dự báo đến 2030 có thể đóng góp tới 7% GDP cả nước. Do vậy, việc cần được ưu tiên thực hiện là hoàn thiện từng chính sách đặc thù về đối tượng quyền tác giả.

Về những bất cập liên quan đến tranh chấp “quyền tác giả”, PGS.TS Vũ Thị Hải Yến - Trường ĐH Luật Hà Nội chỉ ra bất cập trong việc Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành chỉ quy định khái niệm tác giả và đồng tác giả trong văn bản dưới luật, nhưng lại thiếu vắng các quy định liên quan trong Luật. Chẳng hạn, về định nghĩa đồng tác giả, pháp luật chỉ đưa ra một tiêu chí duy nhất để xác định đồng tác giả là “cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm”. Từ đó, chuyên gia này cho rằng quy định hiện hành chưa phân định giữa đồng tác giả với tập thể tác giả, cũng như chưa quy định quyền tác giả đối với tác phẩm đồng tác giả được thực hiện như thế nào.

Trở lại với vụ án liên quan nhãn hiệu bia Sài Gòn Việt Nam đang trong quá trình xét xử. Phía SABECO từng nhiều lần yêu cầu được xác định là nhãn hiệu nổi tiếng nhưng chưa được xem xét cũng xuất phát từ bất cập của luật. Theo PGS.TS Lê Thị Nam Giang, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ TP HCM, hiện nay chưa có bất kỳ một nhãn hiệu nào được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Điều này xuất phát từ các bất cập trong quá trình soạn thảo, ban hành pháp luật Sở hữu trí tuệ. Bà Giang chỉ ra sự thiếu vắng nhiều quy định về trình tự, thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ chưa phù hợp để áp dụng, về thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng chưa rõ ràng.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, việc chậm hoàn thiện Luật Sở hữu trí tuệ phù hợp với thực tiễn sẽ đặt Việt Nam vào nhiều tranh chấp quốc tế trong thời gian tới, nhất là việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng internet và mạng viễn thông. Hơn nữa, việc hoàn thiện luật mang một ý nghĩa cấp thiết trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - là tài sản trí tuệ, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó xử phạt do Luật Sở hữu trí tuệ còn bất cập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO