Mới đây, khi thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về thời hạn miễn thuế cho các đối tượng được bổ sung từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2020. Phát biểu tại phiên họp, ông Võ Trọng Việt-Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội nói: “Tôi tính 34 tỷ đồng tiền thuế nếu có thu của nông dân mà đem so sánh với số tiền thất thoát trong vụ án Phạm Công Danh là 300 năm (hơn 9.000 tỷ đồng), vụ Trịnh Xuân Thanh là 100 năm (hơn 3.200 tỷ đồng).
Người nông dân một nắng hai sương.
Nêu ra ví dụ “khủng”, Chủ nhiệm UB Quốc phòng-An ninh của QH muốn nhấn mạnh rằng, nếu làm tốt phòng chống tham nhũng, chưa nói lãng phí tiêu cực thì số tiền vào ngân sách rất lớn so với thu từ người nông dân. Còn theo ông Nguyễn Đức Hải-Chủ nhiệm UB Tài chính-Ngân sách của QH thì đa số ý kiến trong Thường trực UB cho rằng, việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp cho các hộ gia đình, cá nhân-kể cả phần vượt hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo tâm lý đồng thuận trong nhân dân, góp phần “khoan thư sức dân”, khuyến khích tích tụ ruộng đất, sản xuất cánh đồng mẫu lớn, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước.
Ông Hải cũng cho rằng, số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn của hộ gia đình, cá nhân chỉ khoảng 34,3 tỷ đồng/năm là không lớn và có tác động không nhiều tới thu ngân sách nhà nước.
Việc miễn một phần thuế cho nông dân cũng nhận được sự đồng tình của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Ông Tỵ cho rằng, điều đó góp phần động viên nhân dân lao động sản xuất, ổn định lương thực. “Có lẽ hiện tượng tương đối phổ biến bây giờ là các hộ do khó khăn nên cho thuê, cho mượn, bán đất rồi đi làm thuê ngay trên chính mảnh ruộng của mình”-ông Tỵ lưu ý.
Trên thực tế, đa số hộ gia đình nông dân hiện nay có thu nhập thấp, nông thôn, nông nghiệp đang có những vấn đề nổi lên cần được giải quyết một cách triệt để. Do sản xuất và tiêu thụ nông sản khó khăn, ở nhiều nơi người nông dân đã “treo ao, treo chuồng, treo vườn”; nhiều nơi đất canh tác bỏ hoang hoặc cho người khác thuê. Số người vừa ly nông vừa ly hương không thuyên giảm. Nông dân, nông thôn đã thiếu lực nhưng lại không nhận được sự đầu tư thích đáng: hiện chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đã thế, cùng với thuế, người nông dân còn phải chịu nhiều loại phí, lệ phí.
Thu nhập của nông dân rất thấp, giá thành sản phẩm bấp bênh ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân, vì thế có chính sách ưu đãi là điều rất cần thiết. Nói gì thì nói, muốn khu vực này bật lên thì phải tiếp sức cho họ. Tiếp sức ở đây là cần phải được đầu tư lớn, tổng thể, dài hạn.
Bên cạnh đó, chính sách “khoan thư sức dân” cần phải được đặt ra như một quan điểm chiến lược. Thuế thì phải đóng, nhưng đóng ở mức nào thì hợp lý. Các loại phí, lệ phí cũng có thể có ở tùy từng địa phương, nhưng quan điểm là phải bỏ càng nhiều càng tốt. Không thể thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống người nông dân, nền sản xuất nông nghiệp được nếu không “khoan sức” cho người nông dân.
Trở lại câu chuyện Phạm Công Danh và Trịnh Xuân Thanh cùng đồng bọn tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, đem so với số tiền người nông dân đóng thuế-mới thấy cực phi lý.
Trong khi bà con một nắng hai sương, ngày đêm trăn trở chảy mồ hôi rơi nước mắt trên mảnh vườn thửa ruộng, với con cá con gà-thì lại có những kẻ cướp đoạt, làm mất đi những núi tiền của dân của nước. Số tiền chỉ do vài ba kẻ tham nhũng gây ra đã đủ để miễn một số loại thuế cho một số đối tượng nông dân tính theo con số trăm năm. Đó là điều hết sức bất nhân, tàn nhẫn.
Vì vậy, cùng với việc trừng trị tham nhũng, thì việc thu hồi tài sản chúng chiếm đoạt là vấn đề rất quan trọng. Không thể cứ vào tù là xong; cũng không thể để chúng liều lấy cái chết ra để rồi chiếm đoạt tài sản của dân của nước, theo kiểu “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Tài sản của dân của nước không thể để phí phạm, không thể để rơi vào tay bất cứ ai, mà phải được trả về cho dân, cho nước.
Số tiền tham nhũng thu hồi được để đầu tư cho nông nghiệp, giảm thuế cho nông dân, xây dựng những công trình công cộng thì tốt biết bao!