Chiều 12/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì phiên họp Hội đồng để đánh giá các diễn biến và đề ra các giải pháp về chính sách tài chính, tiền tệ trong thời gian tới. Tại phiên họp, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh, giảm thuế đối với xăng dầu; nghiên cứu phương án giảm các loại thuế khác để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Khái quát tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, nền kinh tế đất nước đã phục hồi tích cực, đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trên tất các lĩnh vực, nhất là GPD quý II/2022 tăng cao nhất trong 11 năm qua. Tuy nhiên, tình hình kinh tế, chính trị thế giới sắp tới còn diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh Covid-19 vẫn thường trực, nhiều rủi ro tiềm ẩn về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, thiên tai, dịch bệnh… có thể tác động không thuận đối với sự phát triển của kinh tế đất nước.
Rủi ro, thách thức rất lớn nhưng không để cơ hội tăng trưởng bị vuột mất - đó là tinh thần chung toát ra tại phiên họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Cần hết sức quan tâm đến việc kiểm soát lạm phát nhưng cũng đừng "quá sợ lạm phát", "không nên thái quá".
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát 6 tháng đầu năm là 2,44% (tăng trưởng GDP là 6,42%). Đây là con số khả quan nếu so với tình hình thực tế trong nước lẫn những diễn biến khó lường của khu vực và thế giới. Cùng thời điểm này, lạm phát ở Mỹ là 8,6% còn Liên minh châu Âu (EU) là 8,1%.
Kể từ đầu năm tới nay, thế giới xuất hiện nhiều biến động phức tạp, khó lường, khiến tăng trưởng toàn cầu giảm, lạm phát đe dọa, một số khu vực nạn đói xuất hiện. Trong tình thế đó, Việt Nam là quốc gia với nền kinh tế mở hàng đầu thế giới không thể không chịu tác động. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua bão táp, sức chống chịu của kinh tế vĩ mô là rất rõ ràng. Thành tựu có được đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự điều hành nền kinh tế một cách linh hoạt của Chính phủ cùng với những gói hỗ trợ lớn.
Mới đây, tiếp xúc cử tri Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc thực hiện các giải pháp gia hạn, giảm một số khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất trong năm 2022 dự kiến sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân khoảng 225,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 66,5 nghìn tỷ đồng; số tiền giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn khoảng 24 nghìn tỷ đồng.
Đây là cố gắng lớn cũng là quyết sách lớn của Chính phủ, để khẩn trương hồi phục và tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chính là lúc bung ra các gói hỗ trợ, giảm nhiều loại thuế, phí để dưỡng sức dân và doanh nghiệp; trên cơ sở đó đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đi cùng với đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Những dòng vốn lớn được đưa vào xã hội có thể làm tăng chỉ số lạm phát, nhưng chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển ở mức độ cao.
Trở lại với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh, giảm thuế đối với xăng dầu; nghiên cứu phương án giảm các loại thuế khác để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Điều này mang đến niềm tin cho toàn xã hội “bung ra” để sản xuất, kinh doanh. Kể từ ngày 11/7, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được giảm “kịch khung”; với các sắc thuế còn lại (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) cũng đang được cơ quan chức năng nghiên cứu theo hướng giảm. Điều đó cho thấy giá xăng dầu, mặt hàng chiến lược, sẽ tiếp tục giảm, tạo lực đẩy cho nền kinh tế nói chung cũng như tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Khi các loại thuế với mặt hàng xăng dầu giảm cùng các loại thuế, phí khác giảm, ngân sách nhà nước có thể hụt thu trong ngắn hạn nhưng xã hội sẽ có thêm lực phát triển. Việt Nam đã hội nhập sâu vào thế giới, trong bối cảnh thách thức mang tính toàn cầu rất cần quyết sách sáng suốt để vượt qua khó khăn. Mà một trong những quyết sách ấy chính là khoan thư sức dân, doanh nghiệp thông qua việc giảm các loại thuế, phí.
Nhớ lại chuyện xưa, vào năm 1300, tức là cách đây 722 năm, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trước khi mất hai tháng đã tâu với vua Trần Anh Tông: Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước vậy.