Đã hơn chục ngày ngày trôi qua, cửa hàng mua bán kim cương của ông Mutapha, một doanh nhân tại chợ Mahidharpura, thành phố Surat thuộc phía Tây Ấn Độ vẫn không có một khách bước vào. Khu chợ vốn được mệnh danh là “thủ đô kim cương” của toàn thế giới vốn sầm uất lần đầu tiên chứng kiến một nghịch lý: Ế như bán kim cương!
Cảnh sầm uất của khu chợ kim cương Mahidharpura chỉ còn là quá khứ.
Nhà giàu cũng khóc
Gần 2 thập kỷ qua, những nhà buôn và các hãng kinh doanh kim cương toàn cầu đều hướng về khu chợ Mahidharpura khi 90% kim cương thô của thế giới được tập trung mua bán tại đây. Có nhiều lý do để bất kỳ nguồn nguồn kim cương hợp pháp hay phạm pháp đều được gửi theo một con đường bí mật nào đó để đến thành phố Surat và chọn khu chợ này làm nơi giao dịch. Kim cương xuất xứ từ Angola, Botswana, Namibia hay Nga được chuyển tới Surat đánh bóng rồi xuất hiện tại nhiều thị trường kim cương lớn trên thế giới như Mỹ, Hong Kong, Singapore…
Chỉ khoảng cuối năm trước, ông Mutapha, người được coi là một trong những đại gia kim cương với số lượng giao dịch lớn nhất khu chợ đã không còn thời gian để thở với tần suất bán ra nhập vào hàng triệu cara cho khách. “Nhưng mọi thứ đã thay đổi hẳn bởi đại dịch. Bạn biết đấy, đại dịch Covid-19 như trên trời rơi xuống và bắt tất cả các khách hàng của chúng tôi ngưng mọi thói quen mua sắm nhất là đồ xa hoa. Kim cương trở thành món hàng ế nhất”- ông Mutapha buồn bã khi trả lời phỏng vấn của Hãng tin tài chính Bloomberg.
Sau 10 tuần phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh, Ấn Độ đã mở cửa trở lại nền kinh tế vào cuối tháng 5. Thế nhưng, khu chợ Mahidharpura vẫn thưa thớt bóng người. Cửa hàng của ông Mutapha trước có hàng chục người làm tấp nập, vốn được miêu tả là “khách xách làn chờ đến lượt mua kim cương” giờ chỉ còn 2 người thợ kim hoàn ngóng khách và thỉnh thoảng liếc nhìn ông chủ thở dài ngao ngán.
Không chỉ tại “khu phố kim cương” Ấn Độ, ngành công nghiệp đá quý toàn cầu vừa trong cảnh đóng băng trong nhiều tháng qua lại phải đối mặt với bài toán nan giải mới. Đó là làm sao để nhanh chóng tiêu thụ lượng hàng kim cương tồn kho giá trị hàng tỷ USD.
Cơ sở của Tập đoàn De Beers tại ngoại ô thành phố Gaborone, thủ đô Botswana, là một trong những hầm kim cương lớn nhất thế giới đang hết chỗ vì kim cương ế ẩm. Trong khi đó, Công ty khai thác kim cương hàng đầu thế giới De Beers - hầu như không bán được viên kim cương thô nào trong 3 tháng qua. Một hãng kim cương khác của Nga là Alrosa PJSC cũng đối mặt với tình cảnh tương tự. “Hẳn nhiên, những đại gia kim cương đang gặp khó và khóc ròng về món hàng xa xỉ phẩm” - Hãng tin Bloomberg nhận định.
Giảm giá, đổi hàng vẫn ế
Hãng tư vấn về kim cương hàng đầu thế giới Gemdax ước tính: 5 hãng sản xuất kim cương lớn nhất thế giới tồn kho số hàng trị giá 3,5 tỷ USD. Con số này có thể lên đến 4,5 tỷ USD cuối năm nay, bằng một phần ba tổng sản lượng khai thác hàng năm.
Hãng Alrosa cho biết tồn kho kim cương của mình sẽ chạm mốc kỷ lục là 30 triệu carat cuối năm nay, tương đương sản lượng cả năm. Hãng này muốn giảm con số tồn kho về 15 triệu carat trong 3 năm. Cùng lúc, Hãng De Beers đã tổ chức một đợt bán kim cương trong kho vào tháng 5, nhưng không thông báo kết quả như thường lệ. Theo một nguồn tin của Bloomberg, họ chỉ thu về 35 triệu USD chỉ chưa được 1/10 so với cùng kỳ năm ngoái là 416 triệu USD.
Phép thử lớn tiếp theo với ngành này sẽ đến vào cuối tháng 6 tới đây. De Beers dự kiến có đợt bán nữa. Họ đang tìm mọi cách thu hút khách hàng, như cho phép xem kim cương bên ngoài Botswana. Người mua vẫn sẽ được hủy hợp đồng nếu đổi ý.
Tuy nhiên, với phong cách “nhà giàu”, De Beers và Alrosa đều không hạ giá. “Họ đang cố hạn chế nguồn cung kim cương thô để bảo vệ thị trường và giá”- chuyên gia Anish Aggarwal tại Gemdax nói. Chuyên gia này cũng đưa ra nhận định về việc liệu có diễn ra tình trạng giảm hàng tồn kho và cùng lúc xả hàng và tiếp tục bảo vệ thị trường hay không? Trong khi đó, các hãng khai thác nhỏ hơn giảm giá bán. Một số giảm tới 25% do phải tìm cách tồn tại từ trước khi đại dịch diễn ra.
“Trong một bối cảnh nhất định, mọi thứ quý giá nhất trong cuộc sống bình thường bỗng dưng không còn giá trị gì cả. Bạn thử tưởng tượng xem bạn đang buộc phải ngồi nhà mà trong nhà không còn thực phẩm và nước uống thì bạn quan tâm đến vàng bạc hay kim cương không? Và lúc đối mặt với sự cạn kiệt ấy, có lẽ một viên kim cương không có giá trị bằng một mẩu bánh mỳ và một cốc nước lọc”- đại gia kim cương Mutapha hài hước nhưng chua xót nói.