Với truyền thống nghìn năm văn hiến và những thành tựu sau 30 năm tái lập tỉnh, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tin tưởng rằng, tỉnh Ninh Bình sẽ khơi dậy, phát huy hào khí cố đô, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà phát triển bền vững, giàu đẹp.
Tối ngày 27/3, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng, tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm Danh xưng Ninh Bình (1822-2022) và 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992- 1/4/2022).
Dự lễ kỷ niệm có các ông, bà: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các ban, ủy ban, bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và lãnh đạo một số tỉnh, thành phố…
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nêu rõ: Ninh Bình là một vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ thời tiền sử cách đây hơn 30 ngàn năm. Những kết quả khảo cổ học mới được phát hiện tại cố đô Hoa Lư và một số địa danh trong tỉnh đã cung cấp thêm nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nơi đây đã từng là một trị sở to lớn ngay từ thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, trước khi hình thành kinh đô Hoa Lư.
Qua bao thăng trầm của thời đại, từ thời kỳ nhà Đinh cho tới nhà Nguyễn Tây Sơn, vùng đất này đã qua nhiều tên gọi, trong đó năm Gia Long thứ 5, đổi thành đạo Thanh Bình. Tới năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đạo Thanh Bình được đổi thành đạo Ninh Bình.
Sau 16 năm hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh, ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức được tái lập và đi vào hoạt động.
Những năm qua, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng ở mức khá; tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm 88,5%. Thu ngân sách đạt gần 22.100 tỷ đồng trong đó thu nội địa đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố, là tiền đề để năm 2022, Ninh Bình trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, Toàn tỉnh có 98,3% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Du lịch có bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt, từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, đã tạo ra bước đột phá, mở ra cơ hội lớn, đưa du lịch Ninh Bình phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Về giáo dục, trong 5 năm liên tiếp, Ninh Bình xếp thứ 3 toàn quốc về điểm trung bình các môn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác phòng chống dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, hiệu quả; an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,44%...
Với những thành tích đã đạt được, Ninh Bình vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 3 lần được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; 79 tập thể, 29 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động; 1.274 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao những thành tựu mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong những năm qua.
“Kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh là dịp để Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Bình ôn lại chặng đường vẻ vang đã qua, từ đó phấn đấu đến năm 2030, Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng’, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Với vị trí kết nối khu vực Bắc bộ, Trung bộ và Tây Bắc, nằm trong tứ giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa, Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ninh Bình cần có thêm nhiều quyết sách để tận dụng tối đa lợi thế này.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, phải hết sức quan tâm quản lý tốt tài nguyên, khoáng sản, coi trọng bảo vệ môi trường. Song song với đó là công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống văn hóa cao đẹp của vùng đất cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến.
Sau buổi lễ là chương trình nghệ thuật “Một vùng non nước Ninh Bình” và màn bắn pháo hoa tầm thấp.