Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra trong tuần này. Đã 75 năm kể từ khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Hội nghị năm 2021 sẽ đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua. TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cần khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa của dân tộc để bước vào thời kỳ phát triển mới.
PV: Thưa ông, Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 24/11/2021 có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
TS Nguyễn Viết Chức: Hội nghị lần này diễn ra trong giai đoạn phát triển mới của đất nước nên có ý nghĩa rất lớn, khẳng định Việt Nam đã bước sang thời kỳ phát triển mới. Và nguồn lực nội sinh chính là phát triển văn hóa. Hơn lúc nào hết, vấn đề đại đoàn kết dân tộc cần được quan tâm trong giai đoạn phát triển mới để thực hiện khát vọng của toàn dân tộc, xây dựng đất nước hùng cường.
Tại Đại hội XIII của Đảng, khát vọng và tầm nhìn của Đảng và nhân dân Việt Nam trong thời đại mới đã được xác định rõ với mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó sẽ là những mốc son sáng ngời trong lịch sử Việt Nam.
Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Khi có tinh thần đại đoàn kết dân tộc mới có thành công. Văn hóa chính là ở chỗ đó. Bản sắc của văn hóa Việt Nam là đoàn kết dân tộc. Cho nên vào thời điểm này phải khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa của dân tộc.
Có ý kiến cho rằng, lâu nay văn hóa chưa được đặt ngang tầm với phát triển kinh tế. Ông nghĩ sao về vấn đề này, thưa ông?
-Văn kiện của Đảng cũng thẳng thắn chỉ rõ, quan tâm tới văn hóa chưa tương xứng với chính trị và kinh tế. Cho nên bây giờ phải quan tâm đến vấn đề văn hóa sao cho tương xứng. Đảng cũng đã xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Văn hóa của Việt Nam là văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền với tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Do đó cần phải làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh để xây dựng, phát triển một cách bền vững. Lấy văn hóa để xây dựng con người có lòng yêu nước, tự trọng và kiên quyết không chấp nhận tụt hậu. Ý chí dân tộc chính là văn hóa. Phát huy ý chí độc lập tự cường cũng là mơ ước, khát vọng thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Văn hóa hiện nay cần đặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như thế nào, thưa ông?
- Đại hội XIII của Đảng đã định ra nhiều vấn đề lớn, trong đó có văn hóa. Trong văn hóa có đặt ra vấn đề xây dựng con người thích ứng với thời đại mới, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thời kỳ phát triển mới thì phải có yêu cầu mới. Hay vừa qua tại hội nghị Trung ương 4 đã đặt ra nhiệm vụ về công tác cán bộ, nhất là công tác cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu phải đủ phẩm chất năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Phẩm chất, uy tín chính là văn hóa. Bên cạnh đó, văn hóa không chỉ ở trình độ học vấn mà còn ở năng lực làm cán bộ. Cán bộ trước tiên phải là người vì dân vì nước, hết lòng phụng sự đất nước. Muốn đem tài để phục vụ thì phải có phẩm chất và uy tín. Như Bác Hồ đã từng nói cán bộ phải “vừa hồng, vừa chuyên”.
Tôi xin nhấn mạnh rằng, chính văn hóa đã giúp chúng ta làm nên những chiến thắng thần kỳ. Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc với 54 dân tộc anh em, triệu người như một. Trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, chính nhờ tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng đã giúp chúng ta khống chế, kiểm soát dịch bệnh. Cho nên bây giờ để thích ứng an toàn linh hoạt và hiệu quả trong phòng, chống dịch và khôi phục phát triển kinh tế thì dứt khoát càng phải đoàn kết. Chỉ có đoàn kết mới có thành công.
Trong kinh tế, doanh nghiệp là “xương sống”. Vậy theo ông đâu là “xương sống” trong văn hóa và làm sao để phát triển nó?
- Con người là nhân tố quyết định trong văn hóa cũng như trong mọi mặt kinh tế - xã hội. Cho nên trong nghị quyết, Đảng đề ra là đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó đặc biệt quan tâm tới nguồn nhân lực quản lý và lãnh đạo, đó là yếu tố then chốt. Phát triển văn hóa để phát triển con người, phục vụ con người. Cho nên văn hóa cần góp phần tạo ra thế hệ người Việt Nam yêu nước nồng nàn, có ý chí độc lập tự cường. Trong bối cảnh này, con người thích ứng với xã hội hiện tại là mục tiêu lớn nhất của văn hóa, và văn hóa phải góp phần xây dựng cho được những con người Việt Nam như thế.
Trân trọng cảm ơn ông!