Khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết từ Đại hội của Mặt trận

Vũ Mạnh 09/05/2023 15:19

Sáng 9/5, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 17 khóa IX, nhiều đại biểu cho rằng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029 cần có lời kêu gọi nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt trong thời kỳ mới hiện nay.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Nhấn mạnh tới ý nghĩa quan trọng của Đề án tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất, cần tổ chức Hội nghị riêng của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam để bàn bạc, thảo luận về các nội dung của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X.

Đi sâu góp ý, ông Nguyễn Túc cho rằng cần phải bám được tinh thần của Đại hội XIII của Đảng để bổ sung vấn đề dân chủ vào chủ đề Đại hội là: “Đoàn kết - Dân chủ - Đồng thuận - Đổi mới - Phát triển".

“Đại hội cần có lời kêu gọi nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt trong thời kỳ mới hiện nay, tinh thần ấy nên được thể hiện mạnh mẽ hơn nữa.” ông Nguyễn Túc đề nghị.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Đồng tình với các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân cần tăng tính giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận. Những kiến nghị nêu trong báo cáo cần phải đề cập đến những vấn đề được nhân dân và MTTQ các cấp quan tâm, trong đó nên có một số kiến nghị riêng liên quan đến đời sống văn hóa, giáo dục của nhân dân, bởi phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng duy trì văn hóa và nòi giống dân tộc Việt Nam là việc làm rất quan trọng.

Đề cập đến Đề án tổ chức Đại hội, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mỗi từ ngữ được nêu trong chủ đề của Đại hội MTTQ Việt Nam đều mang những ý nghĩa riêng, vì vậy nên có giải thích cụ thể để MTTQ các cấp nắm vững. Trong đó, "đoàn kết" là truyền thống của dân tộc, là trách nhiệm của Mặt trận. Tuy nhiên vế còn lại nên để thành "dân chủ" thay vì "đồng thuận", bởi dân chủ thể hiện tiếng nói của nhân dân, đại diện cho các tầng lớp nhân dân.

Về "đổi mới", nên có giải thích cụ thể rằng Mặt trận đổi mới hay đất nước đổi mới? Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nên giải thích theo hướng công tác Mặt trận cần phải đổi mới, nhưng Mặt trận phải cho thấy sự đổi mới đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công cuộc đổi mới của đất nước. Về "phát triển", Đại hội MTTQ Việt Nam được tổ chức trong bối cảnh cả nước hướng vào khát vọng phát triển đến năm 2045, "phát triển" trong chủ đề của Mặt trận cần được nhấn mạnh là công tác Mặt trận đóng góp cho sự phát triển của đất nước để thực hiện mục tiêu phát triển trong tương lai. Hoặc có thể sửa chủ đề Đại hội theo hướng "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân".

Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Đề cập đến tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long cho rằng, trước tình hình khó khăn hiện nay nhiều doanh nghiệp rất khó để đáp ứng được mức đóng bảo hiểm xã hội đang được quy định. Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội giữa doanh nghiệp và người lao động của nước ta hiện nay đang cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN như Malaysia, Thái Lan,... Vì vậy, ông Lý Ngọc Minh đề xuất cần giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, đóng bảo hiểm theo mức thu nhập thực tế của người lao động chứ không phải mức 25% như hiện nay, điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19 và trong giai đoạn kinh tế suy thoái hiện nay.

Cũng theo ông Lý Ngọc Minh, các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy hiện hành đưa ra những điều kiện mà doanh nghiệp khó đáp ứng được, kể cả doanh nghiệp nước ngoài bởi những chỉ tiêu quá cao, nguyên vật liệu giá thành rất đắt đỏ, trong khi doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức phát triển còn thấp so với doanh nghiệp các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Trong khi đó phòng cháy và chữa cháy vẫn còn nguy cơ cháy, vậy tại sao không làm cho hỏa hoạn đừng xảy ra bằng nhiều biện pháp khác nhau như tăng cường giáo dục về ý thức vệ sinh, ngăn nắp, không hút thuốc, sử dụng chất dễ cháy nổ trong nhà xưởng, giảm nguy cơ cháy nổ cho doanh nghiệp cũng như giảm gánh nặng về đầu tư trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Lý Ngọc Minh trăn trở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết từ Đại hội của Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO