Mặc dù đứng trước những khó khăn do dịch bệnh mang lại nhưng hệ thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp tỉnh Yên Bái đã đổi mới cách làm theo hướng rõ việc, trọng tâm, hiệu quả, hướng về cơ sở; cùng hướng về mục tiêu chung của Cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đó là xây dựng một môi trường thật sự đáng sống cho bà con nhân dân.
Rõ việc, rõ trách nhiệm
Sau gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đời sống vật chất và tinh thần của bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có chuyển biến rõ nét về chất lượng, ngày càng đi vào chiều sâu và có tính lan tỏa rộng rãi. Tiêu biểu như xã Quang Minh, huyện Văn Yên, mặc dù là xã vùng II, kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng bằng sự quyết tâm vượt khó, sự đồng lòng của người dân mà Quang Minh vươn lên trở thành xã điển hình về xây dựng NTM của tỉnh. Với truyền thống lao động cần cù, đoàn kết, sáng tạo cùng với truyền thống cách mạng và bản sắc văn hoá tốt đẹp, nhân dân các dân tộc trong xã đã cùng nhau đồng tâm hiệp lực, vươn lên làm giàu từ cây quế, từ củ sắn, cùng nhau hiến đất, góp công, góp của xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình hạ tầng. Do đó, xã Quang Minh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí của xã đạt chuẩn NTM.
Chia sẻ thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, bà Vương Thị Thu Lan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Văn Yên cho biết, khi thực hiện CVĐ này các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương cũng được đẩy mạnh, nhiều mô hình điển hình tiên tiến được xây dựng và nhân rộng để cùng hướng đến mục tiêu chung. Theo đó, 5 nội dung trọng tâm của CVĐ đã từng bước được phát huy, đem lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo nông thôn và góp phần nâng cao đời sống xã hội ở cơ sở.
“Cán bộ Mặt trận từ tỉnh xuống cơ sở đều nhận thấy rằng mấu chốt để tạo ra thành công cho CVĐ này chính là thay đổi tư duy làm ăn để nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân. Nhưng muốn làm được điều đó thì phải xây dựng được các mô hình điển hình trong phát triển kinh tế để từ đó làm cơ sở cho sự giảm nghèo bền vững tại địa phương. Do đó, việc chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần cho bà con nhân dân cũng được địa phương quan tâm thực hiện. Những phong trào như xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong đó trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa được đặc biệt coi trọng. Với cách làm quyết liệt, bài bản nên số gia đình văn hóa năm sau luôn cao hơn năm trước, thu nhập của bà con nhân dân cũng từng bước được nâng cao. Có thể khẳng định, CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã tác động toàn diện đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương” - bà Lan chia sẻ.
Cùng với các chủ trương chung của Trung ương và của tỉnh, huyện Văn Yên cũng đã đưa ra mục tiêu mang tính chiến lược đó là đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo; khích lệ người dân làm giàu chính đáng và thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; triển khai sâu rộng các phong trào thi đua thông qua các hoạt động của MTTQ. Do đó, những năm qua, MTTQ các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở hướng dẫn, phối hợp bà con nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình...
Không chỉ riêng huyện Văn Yên nỗ lực xây dựng NTM, đô thị văn minh mà ngay cả thành phố Yên Bái cũng đã đưa ra kế hoạch dài hơn để thực hiện việc này. Nhờ đó, thành phố Yên Bái đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Kết quả nổi bật trong xây dựng NTM của thành phố Yên Bái là tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho xây dựng NTM trên địa bàn qua 10 năm được đầu tư trên 2.200 tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay 100% đường giao thông nông thôn trên địa bàn các xã đảm bảo theo chuẩn NTM. Tỷ lệ đường liên xã và đường trục thôn, liên thôn đều được cứng hóa 100%; đường ngõ, xóm được cứng hóa đạt 96%; đường trục chính nội đồng đã cứng hóa đạt 100%.
Nâng cao tiêu chí môi trường
Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, từ nhiều năm nay MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xây dựng các mô hình điểm trong việc bảo vệ môi trường. Đây được đánh giá là tiêu chí nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới tại cơ sở. Nhờ đó, nhiều mô hình tự quản về môi trường lần lượt được ra đời tại nhiều thôn, làng, ấp, bản. Theo ông Giàng A Tông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái, thực hiện Chương trình hành động số 190 của Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức hội nghị hiệp thương và ban hành kế hoạch số 23, 30, 42 và Hướng dẫn số 48 hướng dẫn tiêu chí đánh giá mô hình tự quản tiêu biểu ở thôn, bản, tổ dân phố để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó, trọng tâm là thống nhất phân công thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nhằm duy trì thực hiện các tiêu chí về môi trường tại 68 xã công nhận NTM năm 2019 và 10 xã đạt chuẩn NTM năm 2020. MTTQ tỉnh chủ trì thực hiện tại 14 xã đã được công nhận và 2 xã đăng ký năm 2020 là xã An Bình, huyện Văn Yên và xã Minh Xuân, huyện Lục Yên.
Để làm tốt việc này, MTTQ tỉnh thành lập 9 tổ tự quản bảo vệ môi trường gắn với xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu; trao 300 chiếc chổi cọ và 10 thiết bị thu gom rác thải cho nhân dân xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn thực hiện tự quản về môi trường. Ngoài ra, MTTQ các cấp trong tỉnh còn tiếp tục phối hợp tổ chức thực hiện hoạt động “Ngày thứ bảy cùng dân”; trồng và chăm sóc đường hoa, xây dựng tuyến đường “Thắp sáng đường quê”; tuyên truyền vệ sinh môi trường và mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trọng tâm tại các xã khó khăn được cấp ủy các cấp phân công phụ trách và các xã đạt chuẩn NTM năm 2020. Để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tự quản, Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai xây dựng, hướng dẫn các tiêu chí đánh giá mô hình tự quản tiêu biểu ở thôn, bản, tổ dân phố và vận động thành lập tổ hợp tác.
“Đến nay toàn tỉnh có 828/2.400 tổ tự quản được đánh giá tiêu biểu; vận động ra mắt thành lập 54 tổ hợp tác và tuyên truyền, huy động các nguồn lực giúp đỡ gần 30 hộ thoát nghèo có địa chỉ tại xã Hạnh Sơn (thị xã Nghĩa Lộ), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa bàn đạt trên 6%. Không chỉ dừng lại ở đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh còn tiếp tục hướng dẫn nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở cấp huyện, cấp xã. Theo đó, năm 2020, có 16 xã toàn tỉnh hoàn thành việc lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM đảm bảo đúng quy định. Qua phiếu đánh giá ý kiến của người dân cho thấy trên 95% người dân hài lòng với kết quả xây dựng NTM; trong đó, có 7 xã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn xây dựng NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao” - ông Giàng A Tông nói.
Hiệu quả từ các phong trào thi đua và chương trình phối hợp thống nhất hành động của MTTQ nói chung, hiệu quả từ CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” nói riêng đã góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.