Đại lễ Vu Lan “Đạo hiếu và dân tộc” năm 2017 diễn ra tối 31/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, là dịp tôn vinh, đề cao đạo hiếu trong đạo Phật cũng như trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực tới dự và trao quà tặng các gia đình chính sách.
Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại lễ Vu Lan “Đạo hiếu và Dân tộc”. Ảnh: Quang Vinh.
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức chương trình xúc động nói, lễ Vu Lan có duyên khởi từ ngài Bồ tát Mục Kiền Liên khi chứng quả A La Hán, đã dùng huệ nhãn và nhìn thấy mẹ mình đang rơi vào ngục A Tỳ bị đọa làm quỷ đói. Bồ tát Mục Kiền Liên đã phát tâm báo hiếu đấng sinh thành bằng tất cả những công đức của người con với tâm lượng vô ngã để báo ân và hóa độ mẹ cha. Nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan được khai sinh theo tích truyện đó và trở thành một trong những ngày lễ quan trọng trong truyền thống văn hóa và nghi lễ Phật giáo.
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức chương trình phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.
Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh, ý nghĩa hơn cả, Vu Lan còn là nhịp cầu yêu thương, được nối kết từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Chúng ta không chỉ nhớ ơn những người cưu mang mình mà còn tri niệm công ơn của những người đã khuất như cửu huyền thất tổ hay chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn - những người đã hi sinh xương máu cho nền độc lập tự do của tổ quốc. Để hôm nay, chúng ta có thể được sống trong cảnh thái bình, no ấm. Và ở xa xôi nơi chiến trường hải đảo có biết bao chiến sĩ đang ngày đêm thầm lặng trước đầu sóng ngọn gió trấn giữ biên cương để gìn giữ chủ quyền biên giới, biển đảo của quê hương.
Đặc biệt, lễ Vu Lan năm nay trùng với thời khắc đất nước đang tưng bừng kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, 72 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Đây là dịp để BTC thêm một lần nữa bày tỏ sự tri ân đối với những gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người đã nằm xuống, hy sinh vì tổ quốc. Nói cách khác, trong tất cả tứ ân của đạo Phật thì ân với đất nước, ân với cộng đồng, ân với xã tắc là những ân nghĩa thiêng liêng, cao cả mà chúng ta khó đáp đền nhất. Vì vậy, việc tổ chức chương Vu Lan “Đạo hiếu & Dân tộc” năm 2017 như một nén tâm hương thành kính dâng lên những người đã khuất, là nén tâm hương lan tỏa, để khơi dậy tinh thần tri ân, báo ân của những người còn sống và sự biết ơn của thế hệ hôm nay đối với bậc tiền bối đã đi xa.
Các đại biểu dự Đại lễ. Ảnh: Quang Vinh.
“Ngày nay trên khắp thế giới nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng, nhân loại đang hình thành lối sống vong ân và vị kỷ. Ở đây đó, đã đang và sẽ còn nhiều những hình ảnh không đẹp của hàng con cái đối với cha mẹ, của anh chị em đối xử với nhau, hoặc rộng ra là của con người với con người.
Thiết nghĩ, hơn bao giờ hết, giờ đây xã hội đang rất cần áp dụng triết lý sống tri ân và báo ân, khơi dậy và đề cao tinh thần đạo hiếu, để nó trở thành nền tảng đạo đức và sức mạnh của dân tộc. Hay nói cách khác, việc tôn vinh tinh thần tri ân, báo ân chính là xây dựng những “kháng thể” của văn hóa tâm linh dân tộc, để hạn chế sự bất hiếu, giúp xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người ngày một tốt đẹp hơn”, Hòa thượng Thích Gia Quang chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực trao quà tặng các gia đình chính sách. Ảnh: Quang Vinh.
Dịp này, 10 tấm gương đạo hiếu được tôn vinh trực tiếp tại Đại lễ Vu Lan “Đạo hiếu vào Dân tộc” gồm có: Ni trưởng sư Huyền Trang, Tịnh thất cạnh chùa Thất Bửu, Ấp Hòa Long 3, Thị trấn An Châu, Huyện Châu Thành, Tỉnh An Giang; PGS.TS Nông Văn Hải - Viện Hàn Lâm KH&CN VN, Viện Nghiên cứu hệ gen 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội; Nữ tu Trần Thị Lý, 86 đường số 64, ấp Giòng Sao, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM; Thượng tọa Thích Minh Thông, xã Hải Vĩnh, huyện Vĩnh Lăng, tỉnh Quảng Trị; Chị Hà Thu Hương, 117H/2 Hoài Thanh, phường 14, quận 8, TP.HCM; Ni sư Thích nữ Nhựt Thành (Dương Thị Hường); 179 Trần Văn Đang, phường 11, quận 3, TP.HCM; Anh Nguyễn Văn Tác, Ấp Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ; Thầy Thích Đạt Ma Phổ Giác, Chùa Linh Xứng, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; Sư cô Thích nữ Diệu Cúc (Đinh Thị Ngọc Bích)Huyện Thới Bình, Cà Mau; Chị Bùi Thị Tính, Thôn Việt Cường, Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Đề cao đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, những người có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đem lại hòa bình, độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Tại Đại lễ Vu Lan, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam đã trao quà tặng các gia đình chính sách tiêu biểu.