Hạnh phúc là sự sẻ chia khi những người khó khăn quanh ta được quan tâm, hỗ trợ. Những câu chuyện, hành động về sự sẻ chia đã giúp cộng đồng không ai bị bỏ lại phía sau trong dịp Tết vừa qua. PV báo Đại Đoàn Kết có cuộc trò chuyện đầu xuân với bà Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội.
PV:Năm 2021 vừa qua, dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều gia đình gặp khó khăn. Thậm chí, không tránh được những trường hợp tái nghèo do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì thế, công tác chăm sóc cho người nghèo hẳn sẽ gặp không ít khó khăn. Thưa bà, MTTQ thành phố Hà Nội đã triển khai những biện pháp gì để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau?
Bà Nguyễn Lan Hương: Như thông lệ hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nhằm chia sẻ với những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh những chính sách của Thành phố, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp triển khai các hoạt động chăm lo, thăm hỏi, tặng quà Tết tới những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, Ủy ban MTTQ Việt Nam từ thành phố tới cơ sở đã sớm xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành, đoàn thể tập trung rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, người già có hoàn cảnh khó khăn… để triển khai các hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán.
Với phương châm “Không để người dân nào gặp khó khăn mà không được quan tâm, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán”, Ủy ban MTTQ các cấp thành phố và các tổ chức thành viên đã trao tặng tổng số 78.212 suất quà trị giá trên 36,7 tỉ đồng tới những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và những người yếu thế trong xã hội. Đặc biệt, MTTQ và các tổ chức thành viên đã có nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ, tặng quà cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch; các gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những gia đình đang thực hiện cách ly y tế có hoàn cảnh khó khăn…
Ngoài ra, MTTQ Thành phố cũng đã bàn giao 100 nhà Đại đoàn kết và các đồ gia dụng trị giá trên 4 tỉ đồng cho 100 hộ có hoàn cảnh khó khăn để kịp đón Tết cổ truyền trong ngôi nhà mới và trao hỗ trợ trên 1.700 bộ máy tính, máy tính bảng… trị giá trên 14 tỉ đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên trong 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp và người dân gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy quá trình vận động ủng hộ hẳn không tránh khỏi những trở ngại. Vậy MTTQ thành phố Hà Nội đã làm thế nào để bảo đảm hiệu quả việc vận động các nguồn lực hỗ trợ người nghèo?
- Diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 và hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch đã tác động và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội. Chính trong khó khăn ấy, Mặt trận các cấp thành phố tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm khối đại đoàn kết, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, góp của, góp sức ủng hộ các Quỹ do Mặt trận phát động.
Bên cạnh việc vận động các nguồn lực ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, Quỹ “Vì biển đảo Việt Nam”, chương trình “Sóng và máy tính cho em” thì nhân dịp Tết Nguyên đán, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp còn tích cực vận động và nhận được sự ủng hộ hàng chục nghìn suất quà Tết, trị giá hàng chục tỉ đồng của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm để chăm lo cho người khó khăn nhân dịp Tết.
Có được những kết quả trên là do Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội luôn nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBTƯ MTTQ Việt Nam; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy Hà Nội; đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với HĐND, UBND và các tổ chức thành viên của Thành phố trong việc thực hiện các chương trình phối hợp hành động. Bên cạnh đó, sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm; sự linh hoạt, hiệu quả trong triển khai; sự công khai, minh bạch, công bằng trong quản lý, sử dụng nguồn vận động; tinh thần trách nhiệm, tình cảm của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp với công tác an sinh xã hội… đã tạo ra thành công trong các phong trào, các cuộc vận động do Ủy ban MTTQ thành phố triển khai.
Năm 2022 cũng là năm đầu tiên áp dụng chuẩn nghèo mới. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo sẽ có nhiều thay đổi. Trong thời gian tới, MTTQ thành phố sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới, thưa bà?
- Trong năm vừa qua, chúng ta phấn khởi khi nhiều người nghèo đã được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo, nhiều người khó khăn được giúp đỡ, nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ để có đủ điều kiện tiếp tục việc học tập.
Tuy nhiên qua khảo sát, Thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhiều gia đình còn khó khăn và tác động của dịch Covid-19 đến cuộc sống của người dân còn rất khó lường. Để cùng với cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng hỗ trợ các hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo, Ủy ban MTTQ thành phố sẽ tiếp tục hướng dẫn MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với chính quyền, các ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch giảm nghèo của mỗi địa phương.
Tập trung rà soát các hộ nghèo, phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp, hình thức hỗ trợ giúp hộ nghèo một cách cụ thể. Động viên, khích lệ hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát huy nội lực, chủ động vươn lên thoát nghèo. Tiếp tục vận động xã hội hóa nguồn lực để trợ giúp người nghèo thoát nghèo một cách bền vững.
Trân trọng cảm ơn bà!