Triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” được MTTQ tỉnh Gia Lai triển khai hiệu quả. Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “Mưa dầm thấm lâu”, đội ngũ cán bộ Mặt trận đã trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc nhằm khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của đồng bào DTTS.
Là hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, do thiếu vốn đầu tư và tư liệu sản xuất nên gia đình anh Rmah Chai ở làng Kuái (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) luôn rơi vào cảnh khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ của Mặt trận xã, gia đình anh được cấp vốn để mua 2 cặp dê sinh sản trị giá 12 triệu đồng. Sau hơn 2 năm chăm sóc và phát triển, đàn dê của gia đình anh đã phát triển và mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Cùng với gia đình anh Rmah Chai, hàng chục hộ nghèo, cận nghèo đã được Ủy ban MTTQ xã Ia Blang hỗ trợ kinh phí để mua dê giống phát triển sản xuất. Được trao tư liệu và hỗ trợ thêm về kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, mô hình kinh tế này đã giúp các hộ khó khăn dần có kinh tế ổn định hơn trước rất nhiều.
Ông Nguyễn Viết Quyền - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ia Blang cho biết, với đặc thù địa bàn có 25% dân số là đồng bào DTTS, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, bởi vậy, cấp ủy, chính quyền, MTTQ xã luôn chú trọng việc nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và tình hình sản xuất của từng hộ dân để triển khai các mô hình sinh kế cho phù hợp. Hiện trên địa bàn xã đã triển khai 2 mô hình sinh kế là hỗ trợ đàn dê và xây dựng vườn rau sạch cho các hộ nghèo. Đến nay, những mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp các hộ có nguồn thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Từ sự tiếp sức của Mặt trận các cấp tỉnh Gia Lai, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào DTTS đã có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống. Từ cuối năm 2020, mô hình phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản tại xã Đak Trôi (huyện Mang Yang) được Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai thực hiện đã tiếp thêm động lực giúp các hộ nghèo, cận nghèo của địa phương vươn lên ổn định cuộc sống. Qua triển khai thực hiện, dự án đã hỗ trợ 28 con bò cái sinh sản cho 18 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo làng Đak Bớt với tổng số tiền trên 400 triệu đồng từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của UBTƯ MTTQ Việt Nam hỗ trợ. Từ số bò giống hỗ trợ ban đầu, đã có 15 con bò do bò mẹ sinh sản tiếp tục được trao tới các hộ nghèo và cận nghèo tại địa phương.
Theo bà Phạm Thị Lan - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai, thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp đã tập trung khảo sát, xây dựng 713 mô hình với 80.337 hộ tham gia thực hiện và nhân rộng 324 mô hình với 14.238 hộ tham gia thực hiện. Tiêu biểu như mô hình phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản tại xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang) của Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai; mô hình “Cánh đồng một giống đối với cây lúa”, mô hình “Di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn” của Ủy ban MTTQ huyện Phú Thiện; mô hình “Canh tác dưới tán rừng”, mô hình “Nuôi dê, dúi thương phẩm, vườn ươm bời lời” của Ủy ban MTTQ huyện Đak Đoa; mô hình “Đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế bằng cách vần công, đổi công”; mô hình “Cải tạo và xóa vườn tạp trong các làng đồng bào DTTS” của huyện Mang Yang…
“Kết quả thực hiện Cuộc vận động đã giúp trên 10.609 hộ đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Đến nay đồng bào DTTS nghèo đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước, biết tự lực vươn lên” - bà Phạm Thị Lan chia sẻ.