Khởi động du lịch an toàn

Thành Luân - Quốc Trung - Tấn Thành 22/09/2021 06:30

Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc đang dần có những cải thiện rõ rệt. Chương trình tiêm chủng vaccine mở rộng của cả nước tính đến thời điểm này đã đạt trên 35 triệu mũi. Cùng với các lĩnh vực khác, ngành du lịch đã và đang thí điểm hoạt động trở lại…

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết: Việc mở cửa trở lại của du lịch thành phố được bắt đầu với điểm đến là Cần Giờ, nơi đang kiểm soát dịch rất tốt và đang sẵn sàng cho việc đón du khách. Hiện nay, kế hoạch đã được địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng theo hướng “một cung đường” nhưng sẽ từ 2 hoặc 3 điểm đến, kết hợp với các hoạt động ngoài trời gắn với yếu tố truyền thống, khai thác văn hóa bản địa. Sở Du lịch TP HCM đã xây dựng xong dự thảo 3 giai đoạn khôi phục của ngành du lịch. Trong đó từ nay đến 30/10 áp dụng tiêu chí an toàn khi yêu cầu nhân viên và khách đều phải có “thẻ xanh” (đã tiêm 2 mũi vaccine Covid-19). Đối với giai đoạn 2 từ ngày 31/10/2021 đến 15/1/2022 sẽ mở cửa các điểm du lịch ngoài trời, tổ chức các tour du lịch khép kín đến nhiều điểm du lịch dành cho du khách có “thẻ xanh”. Từ giai đoạn sau ngày 15/1/2022 TP HCM sẽ mở cửa hoàn toàn các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố.

Thí điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh

Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, lại chịu nhiều tổn thất nặng nề do dịch Covid-19 gây ra, nhưng với chủ trương mạnh dạn, TP HCM và ngành du lịch đã táo bạo thí điểm du lịch với mô hình nhỏ hẹp, khép kín.

Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tổ chức thành công cho những vị khách đầu tiên đến với huyện đảo Cần Giờ và đại đạo Củ Chi sau hơn 4 tháng đóng băng do dịch Covid-19 vào ngày 19/9. Trong đó, bốn điểm du lịch được đưa vào hành trình “tour khép kín” bao gồm Khu Du lịch Sinh thái Vàm Sát, Chiến khu rừng Sác, Khu du lịch Dần Xây và Khu du lịch Hòn ngọc Phương Nam. Thành viên của tour này gồm 118 y bác sĩ, là đại diện các đoàn y bác sĩ các tỉnh, thành phố đến TP HCM hỗ trợ phòng, chống dịch và một số y bác sĩ tại TP HCM. Những kinh nghiệm từ tour du lịch này cũng sẽ là cơ sở cho tour “du lịch khép kín” sắp tới của huyện đảo này.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết thêm: Hoạt động “tour tri ân” của thành phố dành cho các y bác sĩ và đội ngũ y tế các địa phương không chỉ là thí điểm mà còn hỗ trợ rất lớn về cả tinh thần và vật chất cho công tác chống dịch của thành phố. Người dân thành phố rất trân trọng, cảm kích vì những đóng góp, sự hi sinh quên mình của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế trong cả nước đã sát cánh cùng với thành phố chung tay phòng, chống dịch.

Cũng theo ông Hải, việc chọn điểm đến là “lá phổi xanh” Cần Giờ cũng là một thông điệp của thành phố với những vị khách đặc biệt. “Chúng tôi mong muốn giới thiệu đến các y bác sĩ những nét đặc sắc, độc đáo của TP HCM cũng như sự chân thành, cởi mở và hào sảng của người dân phương Nam trước khi các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ, trở về đơn vị, địa phương và gia đình” - ông Hải nói.

Trao đổi với báo chí, Điều dưỡng Lê Văn Hoan, BV 71 Trung ương từ Thanh Hóa vào TP HCM chống dịch cho biết, sau hơn 2 tháng trực chiến tại khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện dã chiến số 19 đây là ngày đầu tiên anh được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Do vậy, với anh những giây phút thảnh thơi, ngắm nhìn cảnh quan Cần Giờ - “lá phổi xanh” của thành phố thật không gì tuyệt vời hơn. Đây có lẽ là chuyến du lịch đặc biệt nhất của anh.

Hơn 100 y bác sĩ đến hỗ trợ TPHCM chống dịch là những khách du lịch đầu tiên đến với huyện đảo Cần Giờ trong tháng 9/2021.

Sau khi biết thông tin huyện Cần Giờ đang có tour du lịch, chị Đỗ Phương Vy hiện cư trú tại chung cư Thủ Thiêm Star cho biết: Huyện Cần Giờ đang thí điểm tour du lịch an toàn sau nhiều tháng giãn cách xã hội. Gia đình tôi sẽ cho hai cháu nhỏ đi chơi, chuẩn bị bước vào năm học mới. Chúng tôi đang liên hệ các công ty lữ hành để nắm thêm thông tin về hình thức du lịch này.

Theo dự kiến, vào ngày 30/9 huyện Cần Giờ thí điểm một tour “du lịch khép kín” đầu tiên và đã được UBND TP HCM cho phép thí điểm. Về hình thức của tour du lịch này, ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ cho biết: “Việc thí điểm phải đảm bảo được các tiêu chí đề ra là “tour khép kín, cung đường khép kín và hành khách chỉ đi trong khu vực nhất định”. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch để các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời, ăn uống tại chỗ diễn ra trong quy mô nhỏ, tuân thủ yêu cầu giãn cách theo quy định (dưới 20 người)”.

Mở cửa trước với du lịch nội tỉnh

Từ 21/9, tỉnh Quảng Ninh cho phép các hoạt động du lịch nội tỉnh được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Với khách ngoại tỉnh, dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 11 và 12/2021. Trong đó, tập trung ở các địa phương phía Bắc; chỉ thực hiện đón khách từ các địa phương đã qua 14 ngày không xuất hiện các ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng. Tỉnh Quảng Ninh ưu tiên áp dụng các mô hình du lịch không gây rủi ro về dịch bệnh cho cộng đồng dân cư, các sản phẩm du lịch giá trị gia tăng cao và khuyến khích các tour du lịch lưu trú dài ngày, khép kín.

Hội An đã lên kế hoạch đón khách du lịch.

Còn với tỉnh Quảng Nam, theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Ngoài phương án đón khách nội tỉnh, chúng tôi đã tham mưu, xây dựng phương án đón khách ngoại tỉnh. Chúng tôi cũng đề xuất tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Quảng Nam được đăng cai tổ chức diễn đàn Du lịch Mê Công và các phiên họp Tiểu vùng dự kiến tổ chức vào tháng 6 hoặc tháng 10/2022 tại Hội An.

Với du lịch tại thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), theo ghi nhận của phóng viên: Những ngày qua các cơ sở kinh doanh, các khách sạn lớn sau hơn 2 tháng nằm chờ hiện đang chuẩn bị các phòng ốc, cảnh quan, sắp xếp lại các dịch vụ để chuẩn bị đón khách du lịch vào đầu tháng 10 tới...

Xây dựng bộ tiêu chí an toàn

Điểm chung mà các địa phương, các điểm du lịch trong nước tính đến khi khởi động thí điểm hoạt động du lịch trở lại là xây dựng bộ tiêu chí an toàn. Tuy mỗi địa phương có đặc thù riêng, nhưng điểm chung tương đối giống nhau.

Phú Quốc chuẩn bị chào đón du khách.

Theo ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang: Hiện tại Phú Quốc đã có 2 quần thể du lịch giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp đăng ký tham gia thí điểm đón khách quốc tế của Vingroup ở phía Bắc đảo và Sungroup ở phía Nam đảo. Dự kiến đón khách quốc tế trở lại, Phú Quốc sẽ ưu tiên nhắm vào các thị trường: Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, điều kiện bắt buộc để ngành du lịch hoạt động phải đảm bảo được an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch của thành phố. Trong đó, đối với người lao động làm việc lại các cơ sở lưu trú du lịch phải 100% đã được tiêm đủ hai mũi vaccine. Nhân viên cơ sở lưu trú chưa được tiêm vaccine sẽ chỉ được làm việc trực tuyến. Ngoài ra, người lao động trực tiếp phục vụ khách lưu trú (lễ tân, nhà hàng,...) phải được xét nghiệm nhanh định kỳ 3 ngày/lần.

Đối với khách lưu trú từ 18 tuổi trở lên phải đảm bảo tiêm đầy đủ các mũi tiêm ngừa Covid-19 với loại vaccine đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng và đã qua 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2 (có xác nhận của cơ sở y tế). Trong khi đó, khách lưu trú dưới 18 tuổi phải có giấy chứng nhận xét nghiệm nhanh âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch.

TS Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hoá, Đại biểu Quốc hội khoá XV: Lựa chọn hình thức du lịch có tính an toàn

Để đảm bảo du lịch được an toàn trong giai đoạn hiện tại, tôi cho rằng: Các địa điểm hoạt động du lịch thí điểm cần phải đánh giá kỹ về tính an toàn. Trong đó đảm bảo điều kiện về y tế, công tác lữ hành, lưu trú... Địa phương nơi đón khách du lịch cần đưa ra các hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, du khách và người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan như Bộ Y tế cũng cần đưa ra những hướng dẫn để người dân nắm rõ được cách thức thực hiện một chuyến du lịch an toàn.

Về phía các công ty du lịch cũng cần phải đánh giá lại khả năng cung cấp các dịch vụ của đơn vị mình. Trong đó, các công ty du lịch phải lựa chọn hình thức du lịch nào có tính an toàn cao nhất. Nhân viên tham gia phục vụ các hoạt động du lịch phải được huấn luyện về công tác phòng chống dịch, được tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine, thực hiện tốt các biện pháp 5K, xét nghiệm Covid-19 theo quy định. Ngoài ra, địa phương, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cũng cần lập kế hoạch chi tiết về cách thức di chuyển, an toàn thực phẩm cho khách du lịch.

Về phía khách du lịch cần phải tìm hiểu thông tin về sự an toàn ở điểm đến thông qua các phương tiện truyền thông chính thống và của Ban phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động du lịch phải đánh giá tình trạng sức khoẻ của bản thân.

Trong việc di chuyển du lịch cũng nên hạn chế các điểm tiếp xúc, nên thực hiện một cung đường 2 điểm đến, từ khu vực an toàn đến tham quan du lịch ở khu vực an toàn với Covid-19. Bên cạnh đó, người tham gia du lịch cần phải chuẩn bị sẳn túi thuốc cơ bản gồm thuốc hạ sốt, kháng sinh, giảm ho... và các thiết bị y tế đơn giản như cặp nhiệt độ, thiết bị đo SpO2, máy đo huyết áp điện tử để sử dụng khi cần thiết.

TS Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội Khoá XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Mở cửa du lịch phải đảm bảo cân đối với yêu cầu phòng chống dịch

Có thể nói rằng ngành du lịch là một ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất do Covid-19. Trước các biện pháp giãn cách 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đã giảm tới 97% - 98%. Doanh thu du lịch giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2020. Đợt dịch bệnh bùng phát tháng 4/2021 làm cho doanh thu còn sụt giảm hơn nữa và các doanh nghiệp du lịch, nhìn chung đã trở nên kiệt quệ.

Riêng trong lĩnh vực lữ hành, trong những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021 có tới 90% doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, chỉ có 10% hoạt động cầm chừng. Các cơ sở lưu trú công suất cũng chỉ đạt 20% - 25%. Nhiều chuyên gia dự báo ngành du lịch của Việt Nam cần ít nhất 5 năm để có thể phục hồi.

Với kết quả phòng chống dịch tương đối hiệu quả và đặc biệt với chủ trương kinh doanh an toàn sống chung với Covid-19, nhiều địa phương đang tái khởi động phục hồi ngành du lịch. Một số địa phương đã có những phương thức thích hợp để mở cửa du lịch quốc tế, còn phần đông đang mở cửa từng bước du lịch nội địa với những hình thức và mô hình kinh doanh phong phú như: Tour trọn gói, hành lang xanh, tăng cường tiêm chủng vaccine cho nhân viên ngành du lịch và khách du lịch, sử dụng hộ chiếu vaccine, giấy thông hành xanh… Đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch của ngành Y tế.

Đức Trân, Phạm Sỹ (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khởi động du lịch an toàn