Khơi nguồn đam mê khởi nghiệp

N.Phượng 08/05/2017 08:35

Tạo điều kiện để thanh niên được tiếp cận với các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp từ đó hun đúc tinh thần làm chủ, khát khao làm giàu cho quê hương cùng câu chuyện của những chàng trai, cô gái khởi nghiệp thành công cho thấy một điều, nếu có ý tưởng đúng đắn cùng quyết tâm dấn thân, biết đứng dậy sau những lần vấp ngã thì “cánh cửa” khởi nghiệp sẽ thành công.

Nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên đã thành công.

Thắp lửa

Hiện xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) có trên 2.000 đoàn viên thanh niên trong độ tuổi Đoàn. Để phát huy sức trẻ, trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm của thanh niên, phong trào khởi nghiệp ra đời đánh dấu bằng việc thành lập HTX thanh niên đầu tiên của huyện đó là HTX Thanh niên Tiến Đạt.

Mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8.2016 nhưng HTX đã góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Anh Phan Văn Thực, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thanh niên Tiến Đạt cho biết, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, sau khi tốt nghiệp đại học, trải qua nhiều công việc khác nhau từ làm đầu bếp, xuất khẩu gỗ, đi làm công trình….nhưng đều thất bại. Sau khi tham khảo những kiến thức về khởi nghiệp qua nhiều kênh, ý tưởng thành lập HTX bắt đầu nhen nhóm.

Tập hợp những người bạn cùng chí hướng, dưới sự giúp sức của Đoàn thanh niên, HTX Tiến Đạt được ra mắt. Mặc dù mới đi vào hoạt động được một năm nhưng HTX đã xuất bán hàng trăm tấn lợn, gà các loại, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Đây thực sự là tín hiệu vui để những bạn trẻ của HTX tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.

Sinh ra và lớn lên tại miền biển, anh Trần Phúc Hậu, ấp Bình Thuận, thị trấn Bình Đại (Bến Tre) nhận thấy, việc nuôi tôm của bà con khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều gia đình trắng tay do thua lỗ nặng.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP HCM, Hậu quyết định về quê khởi nghiệp, bước đầu thành lập cửa hàng thuốc thủy sản Đại Thành.

Sau một năm cung cấp thuốc thủy sản cho một số nông dân trong và ngoài huyện, thấy nếu sử dụng các loại thuốc thủy sản trên thị trường thì chi phí rất cao người nuôi sẽ ít có lãi, môi trường nuôi tôm từng bước bị suy giảm, Hậu đã tìm tòi, nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học bột bã mía bằng cách tận dụng từ bã của cây mía giúp phân hủy mùn bã hữu cơ ở đáy ao, kích thích tảo có lợi, ổn định màu nước, giảm thiểu độ đục của ao nuôi… Hiện sản phẩm của anh đã được trên 100 hộ nuôi ở nhiều địa phương sử dụng.

Từ phương pháp hướng người dân nuôi tôm an toàn, anh Hậu đã được Tỉnh đoàn Bến Tre trao tặng danh hiệu “ Thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi”. Đây là tiền đề để Hậu tiếp tục nâng cao tinh thần khởi nghiệp của tuổi trẻ trong thời gian tới.

Khích lệ khởi nghiệp

Trong năm 2017, cụm từ khởi nghiệp có lẽ là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất. Ngay từ Trung ương xuống các bộ, ngành, địa phương cho đến các trường học, thậm chí là doanh nghiệp đều nói nhiều đến khởi nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cho biết: Trước đây và ngay cả bây giờ, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, tìm kiếm nhiều cơ hội, hỗ trợ tạo dựng công ăn việc làm để thanh niên ổn định cuộc sống.

Chương trình thanh niên khởi nghiệp là chương trình trọng điểm của công tác đoàn trong năm 2017 và trong suốt nhiệm kỳ XI sắp tới (2017 - 2022) nhằm cổ vũ tinh thần khởi nghiệp trong mọi thanh niên, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên xung kích trong sáng tạo khởi nghiệp.

Tuy nhiên, bà Vân cũng lưu ý, không phải ai cũng có thể khởi nghiệp, tỷ lệ thành công rất thấp, chưa đầy 2%. Để khởi nghiệp, một thanh niên cần chuẩn bị kỹ về ý tưởng, kiến thức, kỹ năng và nguồn vốn. Nếu không có sự chuẩn bị, khi thất bại sẽ để lại những hậu quả nặng nề về tâm lý, để lại sự tốn kém về tiền bạc, thời gian.

Các bạn thanh niên không nên khởi nghiệp theo “phong trào”, thiếu sự chuẩn bị mà cần phải có sự đầu tư nghiêm túc. Có như thế, ngay cả khi thất bại, các bạn cũng sẽ tiếp tục đứng dậy, xem thất bại như một cơ hội để khởi đầu mới.

“Khát vọng khởi nghiệp trong thanh niên Việt Nam hiện nay rất lớn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam với tư cách là tổ chức của thanh niên, đồng hành và hỗ trợ thanh niên luôn suy nghĩ làm sao giúp các bạn thanh niên có điều kiện khởi nghiệp tốt nhất” - bà Vân nhấn mạnh.

Nhằm tăng cường hỗ trợ thanh niên trong khởi nghiệp và thúc đẩy các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong thanh niên, Trung ương Đoàn đã phát động chương trình Thanh niên khởi nghiệp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đó, các tổ chức Đoàn, Hội sẽ có những chương trình hỗ trợ cụ thể với từng đối tượng thanh niên như: tập trung hỗ trợ các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp cho sinh viên; hỗ trợ các dự án, đề án trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp cho thanh niên nông thôn; hỗ trợ về quản trị doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo, tiên phong hội nhập cho doanh nhân trẻ, chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong độ tuổi thanh niên.

Nhiều chương trình, hoạt động khởi nghiệp của thanh niên ngày nay đã có sức lan tỏa rộng lớn đã giúp cho nhiều bạn trẻ có cơ hội làm chủ doanh nghiệp và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi nguồn đam mê khởi nghiệp