Khởi sắc nơi cổng trời Quản Bạ

Vũ Trần 15/11/2015 09:34

Được biết đến là cửa ngõ của Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng văn”, gắn liền với những thắng cảnh nổi tiếng như núi Đôi, núi Cô Tiên, huyện Quản Bạ tỉnh Hà Giang đang từng bước vươn lên. Một trong những “đòn bẩy” theo suốt quá trình, đó là việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kĩ thuật vào sản xuất đang được huyện tích cực thực hiện.

Khởi sắc nơi cổng trời Quản Bạ

Một góc thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, Hà Giang.

Kỹ thuật mới để giữ nghề truyền thống

Là một trong 6 huyện vùng cao nghèo của tỉnh Hà Giang, hiện hưởng chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trên cả nước, những năm qua nhờ có sự chủ động đổi mới, phát huy các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên đời sống của người dân nơi cổng trời Quản Bạ đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải- Bí thư huyện ủy Quản Bạ, đây là vùng đất có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế - xã hội. Nơi đây còn có nhiều làng nghề thủ công truyền thống, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của một số vùng phù hợp với canh tác nông nghiệp cao sản.

“Tiềm năng thì nhiều, song do điều kiện còn nhiều khó khăn nên chúng tôi đã trăn trở và xác định, chỉ có ứng dụng khoa học - kĩ thuật thì mới tận dụng hiệu quả tiềm năng” - ông Hải cho biết. Từ việc chú trọng, coi khoa học - kĩ thuật là “đòn bẩy” để phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nghiên cứu xây dựng những mô hình điểm để nhân ra diện rộng.

Trong chuyến công tác vừa rồi, chúng tôi đã đến hợp tác xã (HTX) sản xuất rượu ngô Thanh Vân sau gần 3 năm HTX đưa vào sử dụng dây chuyền chưng cất rượu với sự hỗ trợ và chuyển giao công nghệ từ dự án Hỗ trợ phát triển cộng đồng tổng hợp. Chủ nhiệm HTX Vàng Séo Lềnh cho biết, với việc đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm rượu ngô Thanh Vân đã có chỗ đứng trên thị trường và vươn xa tới các tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội...

Hoạt động của HTX cũng được đổi mới, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 xã viên với thu nhập ổn định. Mục tiêu của dự án đã có tác động kép đối với người dân. Không chỉ góp phần bảo tồn làng nghề nấu rượu ngô truyền thống ở Thanh Vân, việc xây dựng và triển khai dự án chế xuất trưng cất rượu ngô Thanh Vân đem lại giá trị kinh tế cao, mở ra hướng sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân cùng với năng lực quản lý của ban quản trị HTX cũng được nâng cao theo hướng tiếp cận thị trường.

“Đây chính là những hạt nhân tích cực trong việc tuyên truyền vận động xã viên tiếp cận công nghệ mới, sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường mà huyện đang tích cực đẩy mạnh” – Bí thư huyện Quản Bạ tâm đắc.

Những mô hình giúp người dân thoát nghèo

Thực tế, ứng dụng tiến bộ khoa học - kĩ thuật vào sản xuất luôn được huyện Quản Bạ ưu tiên hàng đầu. Nhờ vậy đến nay, nhiều mô hình sản xuất điểm đã hình thành, bước đầu khắc phục lối sản xuất tự cung, tự cấp của đồng bào. Huyện Quản Bạ đã đưa các giống lúa, ngô mới có năng xuất cao vào gieo cấy như Nhị ưu 838, Nhị ưu 986; ngô lai CP 989, CP 999, Q2... có năng suất và sản lượng cao đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện.

Việc áp dụng các dự án khoa học trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chế biến nông sản, chăn nuôi đã được huyện triển khai trên diện rộng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế. Điển hình như mô hình hồng không hạt, rau chất lượng cao của xã Quyết Tiến; dự án sản xuất, quảng bá thương hiệu rượu ngô Thanh Vân ở xã Thanh Vân; dự án trồng thảo quả ở các xã Tùng Vải, Cao Má Pờ; dự án bình tuyển đàn trâu, bò giống tốt, phục vụ chương trình nuôi trâu, bò hàng hoá... Đây là những mô hình đã góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tăng giá trị kinh tế.

Theo UBND tỉnh Hà Giang, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ (từ năm 2009 đến cuối năm 2014), 6 huyện nghèo của tỉnh đã được Trung ương hỗ trợ trên 1.500 tỉ đồng để thực hiện các chính sách về an sinh xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng... Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện các Chương trình thuộc Nghị quyết 30a, 6 huyện nghèo của Hà Giang đã giảm được 18.290 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của 6 huyện nghèo giảm từ 61,64% vào cuối năm 2010 xuống còn 33,13% vào cuối năm 2014; thu nhập bình quân của người dân tại 6 huyện nghèo tăng từ 4,4 triệu đồng/người/năm vào đầu năm 2009 lên 11,3 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2014. Riêng trong năm 2014, toàn tỉnh Hà Giang đã giảm được 9.700 hộ nghèo. Tính đến thời điểm cuối năm 2014, còn 38.655 hộ nghèo, chiếm khoảng 23,2% số hộ trên địa bàn toàn tỉnh.

Cùng với việc coi trọng ứng dụng khoa học - kĩ thuật vào sản xuất, huyện Quản Bạ cũng luôn chú trọng đến việc nâng cao trình độ canh tác cho người dân và coi đây là một trong điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất.

Hàng năm, thông qua các chương trình, đội ngũ cán bộ khuyến nông đã trực tiếp tập huấn, hướng dẫn để chuyển giao kỹ thuật tới nông dân. Huyện đã hình thành và áp dụng cơ chế hỗ trợ kinh phí, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào sản xuất.

“Với cách làm không chạy theo phong trào, xây dựng mô hình có chọn lọc, khả thi và đem lại hiệu quả kinh tế cao mới thực hiện nhân rộng, diện mạo của huyện đang khởi sắc từng ngày” - ông Lệnh Thế Hội, Phó Chủ tịch huyện cho biết.

Các mô hình kinh tế, trang trại không ngừng được triển khai nhân rộng, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân ước đạt gần 16 triệu đồng trên/ha đất canh tác.

Từ hiệu quả của các mô hình sản xuất, cùng với việc thực hiện tốt các chương trình dự án hỗ trợ xoá đói, giảm nghèo, tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo tại huyện giảm xuống còn khoảng 30%.

Đặc biệt, huyện đã và đang đẩy mạnh thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho người lao động, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Chương trình 30a; đẩy mạnh công tác tư vấn, xúc tiến xuất khẩu lao động giải quyết việc làm cho người dân.

Trước mắt với người dân Quản Bạ, hành trình thoát nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Song với chiến lược ưu tiên cho phát triển khoa học - công nghệ, cùng với sự tích cực, năng động của con người nơi đây, người dân Quản Bạ có quyền hi vọng về một tương lai mới, với diện mạo mới từ vùng cao nguyên đá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khởi sắc nơi cổng trời Quản Bạ