Trong báo cáo của Chính phủ việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực giao thông vận tải, Chính phủ nêu rõ các dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư.
Đó là các dự án giao thông lớn, được dư luận quan tâm.
Về Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến thiết bị khu Depot, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán...
“Khó khăn chính hiện nay là công tác huy động nhân sự là các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam hoàn thành công tác đánh giá an toàn hệ thống để nghiệm thu, bàn giao đưa vào vận hành khai thác. Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Bộ Ngoại giao có công hàm đề nghị cấp có thẩm quyền của Pháp hỗ trợ, tháo gỡ để các chuyên gia tư vấn ACT (Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống) sớm sang Việt Nam thực hiện dự án”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, do UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, thực hiện đạt 64,27%, riêng đoạn trên cao đạt 79,09%.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đạt khoảng 78,19% (chậm 17,20%). Tiến độ thực hiện chậm. Nguyên nhân được cho là do các gói thầu vốn ADB chậm, bị dừng giải ngân vốn nước ngoài và vốn đối ứng.
Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, do UBND TP HCM làm chủ đầu tư, đạt khoảng 76,3%. Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương, cũng do UBND TP HCM làm chủ đầu tư, đã hoàn thành 1/8 gói thầu.
Như vậy, các dự án giao thông này đều thuộc Hà Nội và TP HCM.
Nguyên nhân chính về chậm tiến độ, kể cả đội vốn được cho là do hầu hết các dự án đều có quy mô lớn, đòi hỏi quy trình quản lý, công nghệ thi công phức tạp; có những dự án lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam (các dự án đường sắt đô thị), trong khi chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện; năng lực nhà đầu tư, ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu, tư vấn còn hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp… dẫn đến các khó khăn, vướng mắc không được xử lý triệt để, nhiều nội dung phải điều chỉnh, dẫn đến việc thời gian thực hiện bị kéo dài, điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư.
Cũng còn có thể kể đến nguyên nhân khách quan như biến động lớn về giá đầu vào cho các công trình xây dựng, tỷ giá hối đoái thay đổi làm tăng tổng mức đầu tư của dự án; công tác xử lý kỹ thuật, xử lý lún kéo dài, điều kiện địa chất phức tạp, thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án…
“Về cơ bản, việc để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư, tuy nhiên các yếu tố chủ quan khác như giải phóng mặt bằng, công tác quy hoạch tại địa phương... cũng là nguyên nhân chính gây ra việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư”, theo báo của Chính phủ.
Trên thực tế, các dự án giao thông (trọng điểm) luôn nhận được sự quan tâm của xã hội, đặc biệt dự án đó được triển khai thực hiện ở những đô thị lớn (mà ở đây là Thủ đô Hà Nội và TP HCM). Đây là những đòi hòi bức thiết. Nhưng đáng tiếc là những dự án quan trọng, quy mô lớn đó lại chậm tiến độ, đội vốn.
Thủ đô Hà Nội, TP HCM là hai đô thị lớn, đông dân, mật độ dân số cao, nhất là ở khu vực trung tâm. Suốt nhiều năm qua, hệ thống giao thông hỗn hợp ở đô thị đã gây ra sự ùn tắc, nhất là tại khu vực nội thành và các nút giao thông ra vào thành phố.
Đường sá hẹp, phương tiện giao thông cá nhân nhiều, phương tiện giao thông công cộng đã ít lại lạc hậu càng khiến tình hình thêm căng thẳng. Người dân trông chờ vào các dự án giao thông lớn, hiện đại nhưng đáng tiếc là những dự án đó luôn chậm trễ.
Với những đơn vị thực hiện dự án, có nhiều nguyên nhân để giãi bày. Nhưng với thực tế cũng như hy vọng, trông đợi của người dân thì sự “giãi bày” đó có thể coi là thoái thác trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ.
Chính vì thế, cũng không phải quá xa vời khi người Hà Nội và TP HCM lại hy vọng lần này với ban lãnh đạo mới của cả hai thành phố, việc này sẽ được giải quyết dứt điểm.
Tất nhiên các đại đô thị đều có nhiều việc phải làm, nhưng với hệ thống giao thông, nhất là giao thông công cộng đã được đầu tư lớn thì cũng cần phải xem đó là lĩnh vực ưu tiên.
Thật không lấy gì làm vui người Hà Nội, người TP HCM cảm thấy “dễ thở” vào dịp tết, dịp nghỉ lễ dài ngày khi thành phố như rộng hơn do không kẹt xe. Người ta ngạc nhiên khi ngắm nhìn thành phố của mình sao mà rộng rãi thế, đẹp thế. Cũng chỉ là do không bị ùn tắc.
Khơi dòng chảy cho những dự án giao thông đô thị cũng có nghĩa là khơi dòng chảy phố phường, dòng chảy cho sự phát triển. Vậy thì, với những dự án giao thông đội vốn, chậm tiến độ ở Hà Nội, TP HCM bao giờ sẽ được tháo gỡ?