Khơi thông dòng chảy vùng biên

Hạnh Nhân 21/06/2020 09:00

Trong vòng xoáy của dịch Covid-19, thế mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn, đứt gãy, nhất là tình cảnh hàng ngàn xe hàng ùn ứ tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai trong nhiều ngày. Tuy nhiên, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp kết nối nhằm khơi thông dòng chảy vùng biên.

Vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: Quang Vinh.

Mới đây nhất, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều trực tuyến với 61 tỉnh, thành phố của Việt Nam và đặc biệt 4 điểm cầu ở tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc). Với sự kiện này Bắc Giang được nhìn nhận là địa phương tiên phong của Việt Nam đã rất năng động tổ chức Hội nghị quốc tế quy mô lớn theo phương thức tiếp cận mới (vừa trực tiếp vừa trực tuyến), ứng phó nhanh trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và phù hợp với xu thế thời đại 4.0.

Tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ và cắt băng thực hiện nghi lễ xuất quân tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang, gồm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các thị trường lớn. Việc Thủ tướng dự sự kiện ra quân xuất khẩu và tiêu thụ vải thiều ở trong nước với số lượng lớn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với người trồng vải nói riêng, nông dân cả nước nói chung, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, trong đó có thị trường tiêu thụ nông sản.

Trước đó, Cục Xúc tiến thương mại và Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại Quốc tế Trung Quốc - Chi nhánh tỉnh Vân Nam (CCPIT Vân Nam) cũng tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam). 21 doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong các lĩnh vực nông sản (rau, củ, quả tươi, sấy khô, các loại hạt, gia vị...); thủy sản (khô, đông lạnh và đóng hộp); thực phẩm chế biến; đồ uống (cà phê, sữa, nước ép trái cây...) tham gia giới thiệu, chào bán sản phẩm tới các nhà nhập khẩu tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Theo dự báo của Sở Thương mại Vân Nam, thời gian từ nay đến hết tháng 6/2020, thị trường tỉnh Vân Nam sẽ thiếu hụt một số lượng lớn (khoảng 25-35%) các loại hàng hóa nông sản thiết yếu phục vụ người dân. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần thúc đẩy giao thương để nắm bắt cơ hội kinh doanh các sản phẩm này với tỉnh Vân Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) thông tin, Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam -Trung Quốc (Vân Nam) 2020 là sự kiện giao thương trực tuyến thứ 3 với thị trường Trung Quốc do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện trong gần 2 tháng qua.

Ngay sau sự kiện với Vân Nam, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục tổ chức hàng loạt các sự kiện giao thương trực tuyến khác với các tỉnh, thành khác của Trung Quốc như Quảng Tây, Sơn Đông, Thanh Hải, Trùng Khánh, Chiết Giang…Chỉ riêng thị trường Trung Quốc, Cục Xúc tiến thương mại đã có kế hoạch thực hiện khoảng 8 đến 10 sự kiện kết nối giao thương, sử dụng phương thức “triển lãm đám mây” và “không tiếp xúc trực tiếp” trong năm 2020.

Trong nỗ lực khơi thông xuất khẩu nông sản, vai trò của Bộ NNPTNT đã để lại dấu ấn rõ nét, nhất là ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với “lệnh” cách ly xã hội tại Việt Nam. Cụ thể: trong tháng 3, 4 vừa qua, khi có hàng chục ngàn xe hàng nông sản tồn đọng tại các cửa khẩu, riêng cửa khẩu biên giới của Lạng Sơn, Lào Cai do phía Trung Quốc siết chặt biên giới để chống dịch Covid-19. Nông sản trong nước dư thừa khiến tình trạng giải cứu tái diễn trong nhiều ngày, cùng với đó người nuôi trồng và các thương lái rơi vào tình cảnh khốn đốn.

Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội nhằm tìm giải pháp gỡ khó, thúc đẩy quan hệ hợp tác và thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời điểm đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản, hai bên thống nhất thiết lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu theo “luồng xanh” hưởng quy chế ưu tiên miễn kiểm tra đối với bột sắn, hạt điều, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm... để giảm thời gian thông quan qua cửa khẩu, thống nhất một số mặt hàng của các doanh nghiệp được chỉ định và công nhận kết quả kiểm dịch đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Phối hợp tích cực triển khai vận hành “luồng ưu tiên” thông quan. Thực hiện nhập khẩu trái cây, nông sản, thủy hải sản của Việt Nam qua cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc). Mở rộng danh mục hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu tại ga đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường như đối với cửa khẩu quốc tế đường bộ, khôi phục việc nhập khẩu mặt hàng thủy hải sản qua cặp cửa khẩu Cốc Nam - Lũng Nghịu trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh.

Để nắm bắt thực tế, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ NNPTNT, lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã đi kiểm tra tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại một số cửa khẩu và làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, giải pháp tháo gỡ trước mắt là Việt Nam và Trung Quốc cần thống nhất mở thêm một số luồng để tăng lưu lượng kiểm tra, làm thủ tục cho xe nông sản thông quan được nhiều hơn. Cùng với đó tăng thêm thời gian thông quan tại các cửa khẩu, như cửa khẩu Tân Thanh sẽ tăng thời hoạt động từ 5 giờ lên 7 giờ mỗi ngày, và không nghỉ cuối tuần. Mặt khác, Bộ NNPTNT gửi văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc cùng tìm giải pháp thúc đẩy đưa nông sản xuất khẩu…

Có thể thấy, với những giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, các Bộ, ngành tới địa phương, việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản đã khởi sắc trở lại. Trong những ngày vừa qua, tại Cửa khẩu Tân Thanh, các lực lượng tại đây như: bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm dịch thực vật… đã xây dựng phương án cụ thể để các xe chở xoài quả tươi, vải quả tươi thông quan nhanh nhất.

Thiếu tá Nguyễn Đức Trịnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về việc tạo điều kiện thuận lợi cho một số mặt hàng quả tươi xuất khẩu, hiện đơn vị đã bố trí cán bộ trực, phân luồng riêng cho xe chở xoài quả tươi của Sơn La, vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương, điều này giúp các xe chở các loại quả tươi này không bị ách tắc.

Thực tế, dù thời điểm này, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu vẫn gặp một số khó khăn nhất định do Trung Quốc vẫn kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ tại cửa khẩu. Tuy vậy, các lực lượng tại cửa khẩu, đặc biệt là lực lượng hải quan tại các cửa khẩu: Tân Thanh, Cốc Nam, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị luôn chủ động phối hợp với các lực lượng khác để tạo điều kiện cho các lô hàng xoài quả tươi, vải thiều quả tươi xuất khẩu trước và thông quan qua cửa khẩu một cách nhanh nhất. Hải quan chỉ mất khoảng 1 phút để làm thủ tục thông quan cho một xe chở xoài, vải quả tươi xuất khẩu.

Cùng với việc được phân luồng xuất ưu tiên, tính cả thời gian làm thủ tục, thời gian thông quan cho mỗi xe chở xoài, vải quả tươi xuất khẩu chỉ mất khoảng 3 phút. Không chỉ lực lượng tại cửa khẩu, thời gian này, lực lượng công an tỉnh cũng xây dựng phương án chi tiết nhằm phân luồng, hướng dẫn, điều tiết giao thông, không để xảy ra ùn tắc trên các tuyến đường ra cửa khẩu, trên các quốc lộ: 1A, 4A. Hiện không xảy ra hiện tượng ách tắc tại các cửa khẩu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường vẫn lưu ý, qua ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành nông nghiệp cần nhìn nhận lại và tập trung tái cơ cấu vùng sản xuất, gia tăng chế biến, liên kết chặt chẽ, phát triển chuỗi giá trị dài và mở ra nhiều thị trường mới, đặc biệt là “không để trứng vào một giỏ”. Các sản phẩm nông sản Việt phát triển và tăng được giá trị cần phải chú trọng phát triển logistics vùng nguyên liệu.

Bộ NNPTNT cũng tính toán các biện pháp dài hạn căn cứ tình hình tái cơ cấu một số đối tượng sản xuất nông nghiệp. Như, các vùng hiện nay đang trồng dưa hấu, tới đây không trồng dưa hấu mà chuyển sang cây trồng khác dễ tiêu thụ hơn. Đây cũng là cơ hội tạo một áp lực bức bách để đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở chuỗi liên kết. Không thể để mãi tình trạng đưa ra thị trường sản phẩm thô, sản phẩm chưa qua chế biến, có rủi ro lại tập trung vào giải quyết. Qua việc này, chúng ta cần nhìn nhận và xác định tập trung tái cơ cấu vùng hàng hoá, chế biến sâu, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị và mở ra nhiều thị trường mới trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi thông dòng chảy vùng biên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO