Kinh tế

Khơi thông dòng vốn FDI

Ngọc Quang 04/05/2024 18:17

Theo Bộ Công thương, hiện Việt Nam đã ký kết và thực thi 16 FTA (Hiệp định thương mại tự do); tiếp tục đàm phán 3 FTA. Việc thực thi FTA đã giúp Việt Nam mở rộng thị trường, tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư. Tuy nhiên dự báo năm 2024, kinh tế thế giới vẫn đối diện với nhiều rủi ro, biến động khó lường. Trong bối cảnh đó, làm gì để thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI)?

cover.jpg
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Tân Vũ (Hải Phòng). Ảnh: Quang Vinh.

Thống kê của Bộ Công thương, hiện Việt Nam đã ký kết và thực thi 16 FTA (Hiệp định thương mại tự do); tiếp tục đàm phán 3 FTA. Việc thực thi FTA đã giúp Việt Nam mở rộng thị trường, tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư. Tuy nhiên dự báo năm 2024 kinh tế thế giới vẫn đối diện với nhiều rủi ro, biến động khó lường. Trong bối cảnh đó, làm gì để thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI)?

Hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trường GDP từ 6 - 6,5%. GDP quý I/2024 tăng trưởng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, dù có nhiều tín hiệu tích cực nhưng cơ hội để đạt tăng trưởng 6,5% cả năm vẫn vô cùng khó khăn. Theo Tổng cục Thống kê, để đạt được mục tiêu đó, 9 tháng còn lại phải đạt mức tăng trưởng 6,75%. Cụ thể: quý II tăng khoảng 6,32%; quý III tăng khoảng 6,79%; quý IV tăng khoảng 7,08%.

Theo ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công thương), năm 2024, trong khó khăn chung của kinh tế thế giới, để tận dụng cơ hội tăng trưởng, Việt Nam cần thực thi hiệu quả các FTA. Nhất là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều quốc gia có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Trong bối cảnh đó, để tận dụng tối đa các FTA, điều quan trọng nhất là phải hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết hiệu quả các tranh chấp nếu có. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.

Còn theo TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), để tận dụng được những lợi thế mà các FTA mang lại, các doanh nghiệp (DN) phải luôn cập nhật những thông tin mới, hướng dẫn, đào tạo đội ngũ nhân viên tiếp cận và tận dụng FTA một cách triệt để. Cùng đó là DN cần sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các FTA.

anh-thay.jpg
Phát triển hạ tầng cầu cảng - lợi thế cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam. Nguồn: Sputnik.

Kích thích nhu cầu tiêu dùng

Năm 2023, “cầu” trong nước yếu và dự báo năm 2024 vẫn chưa thể mạnh. Cụ thể, tốc độ tăng của tích lũy tài sản (4,09%) và của tiêu dùng cuối cùng (3,52%) - hai bộ phận lớn nhất của tổng cầu ở trong nước đều thấp hơn tốc độ tăng GDP 5,05% vào năm 2023. Tỷ trọng đóng góp vào tốc độ tăng GDP chung của cả nước của tiêu dùng cuối cùng là 41,04%, của tích lũy tài sản là 26,64%, cộng cả 2 bộ phận mới đạt 67,68%, phải dựa vào sự đóng góp của xuất siêu 32,32%.

Tiếp đó, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP giảm xuống qua các năm, đặc biệt năm 2023 (là năm bản lề của Kế hoạch 5 năm) lại thấp hơn các năm trước, thấp hơn cả trong năm 2020 khi đại dịch Covid-19 xảy ra và trong năm 2021 khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Cùng với sự sụt giảm của tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP, một lượng vốn không nhỏ bị “chôn” vào tiền ảo, trái phiếu DN, bất động sản; bị “chôn” vào vàng, chưa tập trung cho trực tiếp sản xuất vật chất.

Tổng cầu trong nước yếu đã làm cho tốc độ tăng của GDP thấp. Năm 2024, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% (so với 5,05% của năm 2023) thì tổng cầu trong nước phải tăng cao hơn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2024, sự chuyển động của các dòng tiền bị “chôn” vào các kênh đầu tư khác sẽ quay lại kênh đầu tư trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển sang tiêu dùng. Cùng với đó, năm 2024 có thể dần phục hồi tiêu dùng nhờ lương công chức, viên chức nhà nước được cải cách và lương hưu được tăng (tính từ 1/7).

Một yếu tố rất quan trọng nữa là xuất khẩu kỳ vọng tăng trở lại mà không bị giảm như năm 2023 (giảm 4,4% so với năm 2022); mục tiêu tăng 6%, tức là đạt 376,8 tỷ USD.

Doanh nghiệp trong nước phải mạnh dạn thay đổi

Theo Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người Việt Nam tính bằng USD đã liên tục tăng lên trong thời gian qua. Năm 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam thấp thứ 6 Đông Nam Á, xếp thứ 26/42 châu Á, thứ 82/120 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh. Năm 2023, thứ bậc có thể cao hơn khi Việt Nam ước đạt 4.284 USD/người.

Vấn đề đặt ra là, cùng với tăng cường thu hút dòng vốn FDI, tận dụng tốt cơ hội từ các FDI, thì tổng đầu tư xã hội cần phải cao hơn để đạt mục tiêu tăng trưởng. “Trong nội tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp. Đây là những yếu tố cần thời gian để phục hồi” - bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, khuyến nghị và cho rằng Việt Nam cần phục hồi kinh tế tư nhân, cùng với đó dần phục hồi tiêu dùng trong nước. Bên cạnh giao thương quốc tế, thương mại nội địa cũng phải được thúc đẩy. Cần tiếp tục chú trọng tới việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bởi đây là xu hướng tất yếu toàn cầu trong thời gian tới.

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng CIEM cũng cho rằng năm 2024 là một năm đầy khó khăn và thách thức. Trong đó có việc nền kinh tế phân mảng: đầu tư nước ngoài, tư nhân và DN nhà nước, nhưng thiếu liên kết để tạo thành nền kinh tế thống nhất. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để huy động được nguồn lực nội sinh của DN? Theo ông Cung, trong giai đoạn khủng hoảng, DN luôn phải ưu tiên tồn tại và vượt qua khó khăn thông qua tái cơ cấu, giảm chi phí. Để duy trì tăng trưởng xuất khẩu đòi hỏi các DN trong nước phải thay đổi, không thể tiếp tục dựa trên lợi thế chi phí thấp mà phải đầu tư để đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, chuyển đổi sản xuất xanh hơn, tuần hoàn, giảm phát thải.

“Phải đa dạng hóa thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa cho xuất khẩu, khuyến khích đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ. Đổi mới sáng tạo phải trở thành động lực nội sinh của DN, để DN thực sự có động lực đổi mới” - ông Cung nói và cho rằng trong cái khó cần sớm “ló cái khôn”.

Vai trò quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao

Trở lại vấn đề chiến lược thu hút FDI hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt để thu hút vốn FDI hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Có thể hiểu một cách đơn giản nguồn nhân lực chất lượng cao chính là đội ngũ người lao động vừa có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao vừa có ý thức lao động, tác phong công nghiệp cũng như có thể lực để có thể đáp ứng tốt những yêu cầu trong môi trường làm việc hiện nay.

Ông Gaur Dattatreya - Giám đốc Điều hành Bosch Global Software Technologies Việt Nam nhấn mạnh: "Đối với chúng tôi, nhân tài là trên hết và nhân tài ở đâu thì chúng tôi ở đó".

Ông Kim Huat Ooi - Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng và vận hành kiêm Tổng Giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam, cũng nhìn nhận: "Nguồn nhân lực luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của công ty".

Thực tế cho thấy, tồn tại và hạn chế về nguồn nhân lực đã cản trở không ít sự phát triển kinh tế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình đầu tư của DN nước ngoài. Một báo cáo mới đây của UBND TPHCM cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, FDI vào thành phố giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023, chỉ thu hút được 195,4 triệu USD (giảm 47%).

Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng cùng với sự cởi mở trong chính sách ưu đãi thu hút FDI, có thể thích ứng và phát triển trong môi trường mới, cũng như đáp ứng được những yêu cầu cao của DN nước ngoài, người lao động phải nỗ lực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ tay nghề, khả năng ngoại ngữ, tin học, thành thạo các kỹ năng mềm, có ý thức và tác phong công nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa là các cơ sở giáo dục, các DN cũng phải tích cực đổi mới, nhất là về trau dồi kỹ năng thực hành nhằm đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn lớn khi đầu tư vào Việt Nam.

anh-theo-box.jpg

Theo TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cần thực hiện một số giải pháp nhằm “giữ chân” và đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI trong thời gian tới. Đó là việc rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động, bất trắc của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới. Cần xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư nước ngoài và ngành lĩnh vực chỉ các nhà đầu tư trong nước thực hiện. Bộ Công thương cần đánh giá cụ thể những thuận lợi và khó khăn, tồn tại của từng FDI Việt Nam đang tham gia, từ đó có giải pháp phát huy hiệu quả các hiệp định và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Cùng với đó, đẩy mạnh đào tạo nâng cao kỷ luật lao động, kỹ năng mềm, khả năng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để lao động Việt Nam vừa có kỹ năng nghề cao và có tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi thông dòng vốn FDI

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO