Chiều 8/1, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển KT-XH Quảng Nam và Đà Nẵng”.
Đến dự hội thảo có, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND Quảng Nam, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng các lãnh đạo Sở, ban ngành tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, sông Cổ Cò có rất nhiều ý nghĩa về lịch sử- văn hoá, tự nhiên và môi trường.
Từ năm 1994, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ đặt vấn đề nghiên cứu phải làm sao khôi phục lại dòng sông Cổ Cò với nghĩa khơi thông một dòng sông. Lúc đó, chưa ai nghĩ dòng sông này có tác dụng vô cùng to lớn đến sự phát triển KT-XH.
Cũng theo ông Thanh, sông Cổ Cò được khơi thông sẽ kết nối vùng đô thị giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, nhất là khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc. Khơi thông dòng sông sẽ hình thành đô thị mở rộng Hội An về phía Bắc và mở rộng đô thị của Đà Nẵng về phía Nam.
“Chúng tôi tin rằng trong tương lai, sông Cổ Cò sẽ là một trong những con sông đẹp nhất của Việt Nam”- ông Thanh nói.
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng cùng các chuyên gia “giải mã” nhiều câu hỏi được đặt ra như: Việc khơi thông sông Cổ Cò có ý nghĩa như thế nào về mặt tự nhiên cũng như phát triển KT-XH của 2 địa phương này? Đây có phải là cơ hội cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, bất động sản và du lịch đầu tư phát triển các dự án ven sông, ven biển, kết nối Đà Nẵng - Quảng Nam? Làm gì và làm thế nào để Dự án khơi thông sông Cổ Cò đáp ứng được kỳ vọng cả về bảo vệ môi trường, cảnh quan, thực sự mở ra không gian phát triển mới cho Quảng Nam - Đà Nẵng? Đâu là những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là về cơ chế huy động vốn, quy hoạch - kiến trúc,… để đẩy mạnh tiến độ dự án khơi thông sông Cổ Cò và giải pháp tháo gỡ, những khó khăn, vướng mắc đó?;...
Về quy hoạch 2 bên sông Cổ Cò, ông Ngô Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho rằng, không gian kiến trúc cảnh quan khu vực này là đặc biệt quan trọng, nhằm tạo dựng hình ảnh đặc trưng cho khu vực, hoàn thiện cơ sở khoa học và pháp lý trong việc quản lý quy hoạch kiến trúc, kiểm soát phát triển theo đúng định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt. Tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan,...
Với những lý do trên thì việc lập Thiết kế đô thị khu vực tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến TP Hội An là thực sự cần thiết.