Khởi tố vụ 80 trẻ bị sùi mào gà ở Hưng Yên

Đức Trân 28/07/2017 19:35

Theo nguồn tin riêng của Đại Đoàn Kết Online, ngày 28/7, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án gần 80 trẻ bị sùi mào gà ở Khoái Châu, Hưng Yên để điều tra về hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, theo Điều 242 Bộ Luật Hình sự.

Trước đó, chiều ngày 27/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với Bộ Y tế và UBND tỉnh Hưng Yên nghe báo cáo tình hình các trường hợp trẻ mắc bệnh sùi mào gà tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo tập trung điều trị tốt nhất cho các trẻ bị sùi mào gà tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên, trong đó, yêu cầu hạn chế tốn kém tối đa về chi phí điều trị đối với gia đình các trẻ. .

Ngày 26/7, Phó chủ tịch Uỷ Ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ký quyết định số 2048/QĐ- CTUBND về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với y sĩ Hoàng Thị Hiền - ở thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu - chủ phòng khám tư nhân có liên quan đến vụ việc nhiều trẻ em ở Khoái Châu bị viêm nhiễm sùi mào gà do điều trị hẹp bao quy đầu.

Theo đó, y sĩ Hoàng Thị Hiền bị xử phạt vi phạm hành chính do 3 hành vi vi phạm như sau: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động (vi phạm điểm a, khoản 6, điều 29 Nghị định 176/2013NĐ - CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế), mức phạt là 50 triệu đồng; bán thuốc cho người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh (vi phạm điểm a, khoản 4, điều 28 Nghị định 176) mức phạt tiền là 20 triệu đồng; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép (vi phạm điểm c, khoản 5, điều 28 Nghị định 176), mức phạt là 30 triệu đồng. Tổng số tiền phạt là 100 triệu đồng.

Đồng thời, UBND tỉnh Hưng Yên còn bổ sung hình phạt đình chỉ hoạt động của cơ sở, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 12 tháng đối với y sỹ Hoàng Thị Hiền.

Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương, bệnh sùi mào gà do HPV (virút Human Papilloma) là một loại virus DNA sợi kép gây nên, hiện nay đã tìm ra hơn 130 type.

Sùi mào gà ở người lớn thường do HPV type 6 và 11 gây ra, trong khi đó type HPV gây biểu hiện sùi mào gà của trẻ em rất đa dạng. Type HPV hay gây tổn thương hạt cơm ở da (type 1-4, đặc biệt là type 2 và 3) thường được phát hiện ở trẻ em.

Biểu hiện của bệnh là tổn thương ở da hoặc niêm mạc là sẩn mềm màu da, hồng hoặc màu nâu, đường kính khoảng một vài milimet. Sau vài tuần đến vài tháng, các tổn thương có thể hợp lại thành mảng lớn hơn (giống hình súp lơ).

Ở trẻ nam, sùi mào gà thường gặp ở vị trí thân dương vật và quanh hậu môn.

Ở trẻ gái, bệnh có thể gặp ở âm hộ, phía ngoài âm đạo, quanh lỗ niệu đạo và quanh hậu môn. Một vài trường hợp có thể gặp ở bên trong niêm mạc âm đạo và trực tràng. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở trẻ nam hơn.

Đường lây bệnh sùi mào gà ở người lớn đa phần là do lây truyền qua con đường tình dục, còn trẻ thường mắc bệnh khi lây từ người chăm sóc trực tiếp, nhiều trường hợp được phát hiện lây trực tiếp từ bố mẹ.

Đặc biệt, trẻ có thể mắc sùi mào gà do lây nhiễm từ đồ dùng như khăn, đồ lót bị nhiễm HPV, hoặc can thiệp y tế (như nong, phẫu thuật chít hẹp bao quy đầu) không đảm bảo điều kiện vô trùng.

Mối nguy hiểm của bệnh trẻ mắc bệnh Sùi mào gà nếu được chữa trị dứt điểm sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như tình dục sau này. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị đúng phác đồ, bệnh sẽ tái phát, đặc biệt có thể tiến triển sang ung thư và khả năng sinh sản sau này.

Điều trị bệnh sùi mào gà, bắt buộc phải tới cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị, tùy theo mức độ tổn thương, vị trí tổn thương, tuổi của người mắc mà có phương pháp điều trị khác nhau như bôi thuốc, xịt hoặc áp nitơ, sử dụng laser, đốt điện hoặc phẫu thuật cắt bỏ tổn thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khởi tố vụ 80 trẻ bị sùi mào gà ở Hưng Yên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO