Bãi rác Đông Nam (Thanh Hóa) là nơi tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt cho toàn bộ khu vực TP Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và 4 xã của huyện Quảng Xương. Trong nhiều năm trở lại đây, tình trạng quá tải tại bãi rác này đang gây ra hệ lụy ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bãi rác quá tải
Là người thường xuyên vào bãi rác Đông Nam để thu nhặt phế liệu cùng một số người dân khác, bà Ngô Thị Sang - trú tại thôn Hạnh Phúc Đoàn, xã Đông Nam, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) là một trong số những người dân địa phương phải chứng kiến và chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc kéo dài trong nhiều năm qua. Thủ phạm chính là bãi rác nơi bà đang mưu sinh hàng ngày gây ra.
Bà Sang cho biết: Năm 2018, sau khi các hố chôn lấp 1,2,3,4 của bãi rác rơi vào tình trạng quá tải, khiến đơn vị chịu trách nhiệm xử lý là Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị (MTCTĐT) Thanh Hóa không thể xử lý theo quy trình thì tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên trầm trọng.
Đến tháng 5/2021, UBND TP Thanh Hóa đã hỗ trợ Công ty MTCTĐT kinh phí để tiến hành đào hố chôn lấp số 5. Tuy nhiên, ngay cả hố chôn lấp rộng hơn 1ha mới này cũng đã bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải, do mỗi ngày phải đón nhận hàng chục tấn rác thải từ các địa phương khác đổ về, khiến tình trạng ô nhiễm càng trở nên tồi tệ.
“Không thể chịu được, nhất là vào những ngày có mưa xuống, nắng lên, mùi hôi thối theo gió cuộn thốc vào bao phủ khu dân cư”- bà Sang bức xúc nói.
Hiện trên khuôn viên bãi rác Đông Nam, khu vực sát chân núi đá là “núi” rác cao đến 20 m và rộng đến gần chục héc ta đã được phủ bạt đen. Tuy nhiên, từ chân “núi” rác này, nước rỉ rác màu đen kịt, tanh hôi vẫn rỉ ra, cho dù đã được xử lý bằng các chế phẩm sinh học. Tại hố chôn lấp rác thứ 5, mặc dù mới được đưa vào sử dụng ít tháng trở lại đây, nhưng cũng đã bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải.
Nhà máy xử lý “đắp chiếu”
Ông Lê Cao Thắng, Chủ tịch xã Đông Nam cho biết: Từ khoảng năm 2017 trở lại đây, tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Đông Nam ngày càng trở nên trầm trọng. Đến thời điểm hiện tại, cả xã có 6 thôn thì có đến 5 thôn và hơn 5 nghìn nhân khẩu phải hứng chịu mùi hôi thối từ bãi rác gây ra. Ngay cả vị trí trụ sở UBND xã Đông Nam nằm cách bãi rác đến 4km, nhưng nhiều hôm gió Nam thổi lên, cán bộ và nhân viên cũng không thể nào làm việc được do mùi tanh, thối cuộn vào.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Công ty MTCTĐT phủ bạt HDPE toàn bộ bề mặt các ô chôn lấp số 3, số 4; phun tăng cường chế phẩm Enchoice, thuốc diệt ruồi, vôi bột; gia cố bờ bao các ô chôn lấp và hồ chứa nước rỉ rác... Ông Hoàng nói: “Đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài vẫn phải chờ nhà máy xử lý rác đi vào vận hành. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ bàn giao lại cho họ quy trình xử lý! Tuy nhiên, phía nhà máy vẫn chưa cho thấy bất kỳ tín hiệu nào về việc họ sẽ hoạt động vào cuối năm 2021 như đã cam kết”.
Thông tin từ UBND TP Thanh Hóa, cho biết: Năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương và phê duyệt Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam, do Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ môi trường Ecotech làm chủ đầu tư. Đây là dự án trọng điểm, có diện tích trên 15ha, công suất 350 tấn/ngày, đêm. Sau nhiều lần chậm tiến độ, chủ dự án đã cam kết sẽ hoàn tất lắp đặt hệ thống máy móc và đi vào vận hành từ cuối tháng 6/2021. Tuy nhiên, sau thời hạn này, phía Ecotech chỉ xây dựng được một số hạng mục rồi dừng lại một cách khó hiểu.
Về việc này, ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa khẳng định: “Chúng tôi thường xuyên giám sát và đôn đốc chủ đầu tư thực hiện đúng những gì đã cam kết, sẽ đưa vào vận hành trong cuối năm 2021”.
Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Xí nghiệp xử lý rác thải Công ty MTCTĐT, nguyên nhân gây nên tình trạng quá tải và gây ô nhiễm của bãi rác là do lượng rác thải tập kết về đây mỗi ngày lên tới 380 tấn. Trong khi đó, quy trình xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh đang áp dụng lâu nay không thể đáp ứng được tình hình thực tế. Hiện hố cuối cùng đã bắt đầu bị quá tải dù mới đi vào vận hành chưa lâu.