Phát biểu tại Đại hội Công đoàn Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, công cuộc đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế do Đảng khởi xướng và Chính phủ thực hiện không thể thành công nếu không có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và mỗi người lao động (NLĐ). Đổi mới, tăng trưởng kinh tế chỉ có ý nghĩa khi tất cả mọi người được chăm lo. Chính phủ sẽ nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau.
Khi máy móc thay thế sẽ dôi ra một lượng lớn lao động. Ảnh: Quốc Anh.
Để minh chứng cho thông điệp Chính phủ sẽ nỗ lực vì dân hành động, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin, Quốc hội, Chính phủ đã và đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn về các vấn đề lao động, việc làm, tiền lương, BHYT, BHXH, các chính sách an sinh khác để sẵn sàng bước vào cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.
Cụ thể, Nghị quyết của Trung ương đã hoàn thiện thể chế lương tối thiểu (theo tháng, theo giờ) để bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ, làm căn cứ để Công đoàn thoả thuận lương với giới chủ doanh nghiệp, làm cơ chế điều tiết thị trường lao động. Hay với chính sách cải cách BHXH, Trung ương đã thiết kế mô hình BHXH đa tầng.
Theo đó, sẽ có nhiều mức lương khác nhau như lương hưu xã hội-trợ cấp tuổi già; chính sách bảo hiểm cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc (hưu trí, tử tuất, thai sản, tai nạn, thất nghiệp và chính sách bảo hiểm tự nguyện). Trong đó, Nhà nước cũng hỗ trợ một phần đối với một số đối tượng là hộ nghèo, khó khăn để khuyến khích họ đóng góp khi tham gia BHXH, bảo đảm cuộc sống về sau…
Dẫu rằng mạng lưới an sinh đã được trải rộng, và chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là chăm lo cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là NLĐ, những người làm ra của cải vật chất cho đất nước nhưng sự lo lắng, bất an trước thời đại CN 4.0 là điều khó tránh khỏi. Bởi với một nền kinh tế số với những đòi hỏi mới, chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến thị trường, cơ cấu lao động. Trong khi đó, với quy mô dân số 100 triệu người dân, lại có những tồn tại nhất định như trình độ lao động, năng suất lao động thấp trong khu vực thì NLĐ hoang mang trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng số, lo họ bị bỏ lại phía sau là điều dễ hiểu.
Vậy những ai là người có thể bị bỏ lại phía sau? Một cuộc khảo sát của Bộ Công thương mới đây cho biết, riêng với 2 ngành công nghiệp may mặc và da giày, tự động hoá sẽ làm mất đi tới 86% công ăn việc làm đối với dệt may, 74% đối với da giày, trong khi đây là 2 ngành thâm dụng lao động và đóng góp nhiều vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Không chỉ dệt may và gia giày mà nhiều ngành, lĩnh vực khác khi máy móc thay thế cũng sẽ dôi ra một lượng lớn lao động.
Thế nhưng, trái ngược với những ngành trước đây từng thu hút một lượng nhân lực lớn thì nay có những nhóm ngành đang thiếu lao động. Chẳng hạn, khu vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp thương mại điện tử...lại tạo ra cho Việt Nam cơ hội lớn về nhân sự nếu chúng ta biết chuyển đổi cơ cấu lao động một cách kịp thời. Và sự chuyển đổi này cần bàn tay của Nhà nước, có một chiến lược mang tầm vĩ mô bổ khuyết nơi thừa, chỗ thiếu để NLĐ nhanh chóng nhập cuộc với cuộc CMCN 4.0, tạo ra những sản phẩm mới, đóng góp cho sự phát triển chung.
Tất nhiên sự cố gắng này không nằm chỉ ở phía Nhà nước mà chính bản thân NLĐ cần có cách tiếp cận chủ động đối với CMCN 4.0, phải nhìn nhận CMCN 4.0 là cơ hội thay vì thách thức, không ngừng cập nhật và nâng cao năng lực và kỹ năng làm việc để từng bước làm bạn với công nghệ, máy móc mới tiến đến làm chủ công nghệ, máy móc mới, có như vậy họ mới không bị loại ra khỏi thị trường lao động.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng trên phạm vi toàn cầu đòi hỏi phải có giải pháp ở phạm vi toàn cầu để khắc phục những mặt tiêu cực của cuộc cách mạng này. Do đó, Việt Nam cần tham gia sâu và rộng hơn nữa vào hệ thống pháp luật lao động quốc tế, thông qua việc gia nhập, phê chuẩn thêm công ước quốc tế và khu vực về lao động.
Đồng thời, nghiên cứu dự báo chính xác xu hướng vận động và phát triển của thị trường lao động ở Việt Nam trong tương lai. Nghiên cứu xây dựng một chiến lược phát triển nguồn nhân lực.Trong đó, có các chỉ tiêu dự báo và kế hoạch về: Số lượng, chất lượng (sức khỏe, trình độ chuyên môn, kỹ năng, kỷ luật lao động, tính sáng tạo và năng động trong công việc...) đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0.
Và điều không kém phần quan trọng đó là tổ chức Công đoàn Việt Nam cần có sự chuẩn bị đầy đủ hơn nữa để thực hiện tốt chức năng hiến định của mình là đại diện và bảo vệ NLĐ thông qua nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó, có xây dựng chính sách, pháp luật, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức công đoàn thế giới, hướng về cơ sở để phát huy vai trò và vị thế của công đoàn cơ sở.
Khẳng định Chính phủ luôn nỗ lực vì NLĐ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ khơi thông thị trường lao động, đào tạo cán bộ, tăng cường liên thông thị trường trong và ngoài nước, tăng cường kết nối lao động, đào tạo nghề. Ngoài các chính sách an sinh xã hội cho NLĐ về trường học, bệnh viện, nhà trẻ, đất đai, tín dụng... Chính phủ đang trình Quốc hội dành một phần tăng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 để hỗ trợ lãi suất tín dụng nhà ở xã hội…Tất cả những sự nỗ lực này cũng nhằm mục tiêu duy nhất: Không bỏ ai ở lại phía sau trong CMCN 4.0.