Bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” vừa ra rạp đã tạo thành một cơn sốt thực sự. Không chỉ ở lượng người đến rạp, ở doanh thu bộ phim, mà còn lan tỏa sang lĩnh vực du lịch. Công bằng mà nói, đó là tín hiệu đáng mừng, bởi lâu nay, ngành du lịch với nhiều “chiến lược”, nhiều slogan, nhiều đại sứ du lịch nhưng vẫn nhiều bất cập.
Một cảnh trong phim “Kong: Đảo đầu lâu” với những dãy núi ở Ninh Bình.
Du lịch “theo dấu chân Kong”
Bỏ sang một bên câu chuyện ngành văn hóa vội vàng đề xuất dựng mô hình khỉ Kong bên hồ Gươm (Hà Nội) bị gạt phăng, đến lúc này, có thể nói dư âm của bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” đang tạo ra một “động lực” cho ngành du lịch.
Theo đó, ngành du lịch Quảng Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình đã “chuyển động”. Cụ thể, sau một tuần công chiếu bộ phim “Kong: Skull Island”, một con số thống kê cho thấy, lượng khách du lịch đến 3 địa phương trên tăng từ 10 đến 20%. Trước khi phim công chiếu ở VN, tỉnh Quảng Bình đã đàm phán với đoàn làm phim “Kong: Skull Island” về việc dựng tượng 3 cánh tay của khỉ Kong trong phim tại 3 điểm quay gồm: Hồ Yên Phú, thung lũng Chà Nòi và hang Chuột (huyện Minh Hóa). Còn Quảng Ninh cũng đang kết hợp với Quảng Bình, Ninh Bình xây dựng tuyến du lịch kết nối 3 miền di sản Quảng Ninh - Ninh Bình - Quảng Bình…
Trong khi đó, các công ty lữ hành cũng không chịu ngồi yên, đã lập tức lựa chọn các địa điểm phim Kong đến quay để mở tour du lịch. Ví như Công ty lữ hành Exotic Voyages giới thiệu tới du khách thích khám phá các địa điểm trong phim như Ninh Bình, Hạ Long và Quảng Bình với tour trọn gói 10 ngày 9 đêm mang tên “New Kong: Skull Island tour”.
Công ty này cũng lập một trang blog quảng bá “Việt Nam- những điểm đến đáng kinh ngạc xuất hiện trong phim Kong: Skull Island 2017” để tạo sức thuyết phục đối với du khách, trong đó có những bức ảnh đẹp hùng vĩ và hoang sơ của các điểm đến, đặc biệt là hình ảnh về những trải nghiệm tuyệt vời của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cùng các thành viên trong đoàn làm phim tại VN.
Các công ty du lịch khác như Impress Travel, Signature Cruise Halong, Star Light Cruise lại tập trung hướng tới 2 điểm đến nổi tiếng ở phía miền Bắc được quay trong bộ phim này là vịnh Hạ Long và Ninh Bình. Một trong những tour du lịch hàng đầu được công ty Impress Travel gợi ý cho du khách cũng là tour khám phá, tìm hiểu thực tế “ngôi nhà của Kong” trong thời gian 5 ngày với các điểm đến như Hoa Lư-Tam Cốc, vịnh Hạ Long và Hà Nội. Vietravel cũng vừa ra mắt chùm tour “Theo dấu chân Kong”, trong đó du khách sẽ được tham quan Khu Bảo tồn đất ngập nước Vân Long- một trong những bối cảnh chính của phim, đặc biệt là cơ hội trải nghiệm vẻ đẹp của vịnh Hạ Long từ trên cao bằng thủy phi cơ.
Theo Tổng cục Du lịch, việc mở các tour du lịch tham quan phim trường “Kong: Skull Island” của các công ty du lịch trong và ngoài nước không chỉ góp phần thúc đẩy nhu cầu trải nghiệm thực tế, mong muốn được khám phá, trải nghiệm các điểm du lịch là cảnh quay trong phim của du khách… mà còn là cơ hội cho VN quảng bá nhiều đến hấp dẫn khác tới du khách trên toàn thế giới.
Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts.
Đừng để khách đến rồi thất vọng
Lâu nay, chúng ta vẫn bị cho là bỏ lỡ nhiều cơ hội quảng bá du lịch VN qua các phim ảnh, đặc biệt là những dự án phim lớn. Nhưng đến nay, khi xác định du lịch cũng phải chủ động quảng bá hình ảnh đất nước, con người VN, đồng thời thu hút khách du lịch để trở thành ngành “kinh tế mũi nhọn” thì chúng ta đã thấy những tín hiệu khá tích cực thông qua sự hợp tác giữa 2 ngành du lịch và điện ảnh. Gần đây nhất có thể kể tới phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” với cảnh đẹp của Phú Yên. Sự chủ động của tỉnh Phú Yên thông qua hợp tác với đoàn làm phim đã khiến “du lịch xứ hoa vàng” bừng thức. Du khách đã đến Phú Yên nhiều hơn.
Bây giờ đến phim bom tấn “Kong: Skull Island”. Người ta đã thấy cái bắt tay thắm thiết, thậm chí ngành du lịch còn “trải thảm đỏ” để đón các nhà làm phim quốc tế đến quay phim ở VN. Cao trào hơn cả có lẽ là việc bổ nhiệm đạo diễn Jordan Vogt-Roberts làm Đại sứ Du lịch VN. Không thể phủ nhận sự nhanh nhẹn nắm bắt cơ hội của ngành VHTT&DL, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta đừng quá ảo tưởng vào những “ngoại lực”.
Sức hút của phim Kong là có thật. Sự yêu mến và trân quý những cảnh đẹp VN của ông Jordan là có thật. Sức lan tỏa và ảnh hưởng đến truyền thông quốc tế của ông Jordan cũng không ai nghi ngờ. Nhưng nếu chúng ta không có những chiến lược bài bản, thiếu những kế hoạch hợp tác chi tiết, thì Đại sứ Du lịch VN nhiệm kỳ 2017-2020 rất khó triển khai hiệu quả và biến sức ảnh hưởng thành những lợi ích có thật.
Nói như ông Ole Dross- Công ty lữ hành Asiatica Travel (văn phòng tại Hà Nội): “Việc bổ nhiệm một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới làm đại sứ du lịch chỉ là có lợi thế quảng bá du lịch ngắn hạn. Trong khi đó, để phát triển du lịch một cách bền vững và lâu dài, VN cần chú trọng vào các yếu tố cốt lõi như đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, cải thiện dịch vụ và phát triển nguồn nhân lực...”.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Kỳ- Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel phân tích thêm, “vấn đề quan trọng là phải nghiên cứu thật kỹ bài học của các quốc gia khác trong việc đón tiếp du khách sau thành công của các bộ phim bom tấn. Do đó, hãy tìm hiểu thật kỹ, phân tích xem liệu những thị trường nào sẽ bị hấp dẫn bởi bộ phim Kong rồi từ đó tính toán chuyện quảng bá, xúc tiến và tạo sản phẩm riêng để đón dòng khách từ thị trường này. Đừng há miệng chờ sung và nghĩ ai cũng sẽ phấn khích đến VN du lịch sau phim Kong”.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo một vấn đề quan trọng khác: đó là việc phát triển hệ thống dịch vụ phục vụ du khách tại các điểm du lịch nói chung và du lịch “ăn theo” phim Kong nói riêng. Cảnh đẹp thì chúng ta luôn có, nhưng thời tiết thì không thể lường trước. Chính bởi vậy, cơ sở vật chất, các nhu yếu phẩm cần thiết khi được chuẩn bị tốt mới có thể giữ chân du khách, đồng thời phải làm sao để mỗi khi khách đến sẽ trở thành những “đại sứ” mới, nhằm kết nối, lan tỏa với những du khách khác. Đừng để khách đến rồi thất vọng bởi nạn chặt chém vẫn còn, các sản phẩm du lịch thì nghèo nàn, rác thải thì tràn ngập, vệ sinh thì yếu kém…
Tuần qua, tại buổi họp báo giới thiệu chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội” do Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp tổ chức, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhận xét: Tôi thấy việc quảng bá ở Quảng Bình vừa rồi sử dụng nhiều hình ảnh trong bộ phim “Kong: Skull Island” (Kong: Đảo đầu lâu). Đừng biến Quảng Bình, đừng biến Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành đảo đầu lâu. Đừng biến hình ảnh Kong trở thành biểu tượng của Quảng Bình”. Bộ trưởng nhấn mạnh: Biểu tượng của Quảng Bình phải là biểu tượng của địa phương anh dũng trong chiến đấu, sáng tạo trong lao động sản xuất, địa linh nhân kiệt, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mẹ Suốt… Quan điểm của tôi là đừng nên tuyên truyền quảng bá quá nhiều hình ảnh Kong. |