“Áp dụng án lệ thì đúng là cấp thiết rồi, nhưng không vội được vì nếu không có chuyên môn và kỹ thuật cao để soạn thảo mẫu án lệ thì khi áp dụng sẽ gây hậu quả ngược và khiến người dân bức xúc” - ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao chia sẻ.
Theo Viện Pháp chế và Quản lý Khoa học thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tối cao, sau khi thống nhất ý kiến với Viện trưởng Viện KSND tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã thông qua Nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Quy trình này yêu cầu các mẫu án lệ phải đạt chuẩn mực cao, có giá trị pháp lý để hướng dẫn hoạt động xét xử đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Nghĩa là, các mẫu án lệ phải đảm bảo là những lập luận, phán quyết trong các bản án đã được xét xử và có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể. Kết quả áp dụng án lệ phải đảm bảo những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì kết quả tuyên án cũng phải tương tự nhau.
Về vấn đề này, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn cho rằng, dù không bắt buộc tòa án các cấp áp dụng án lệ, nhưng nếu không áp dụng thì tòa án buộc phải giải thích được lý do tại sao không áp dụng. Do đó, Nghị quyết về áp dụng án lệ của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao được công bố lần này có giá trị pháp lý rất cao trong việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử và đảm bảo một nguyên tắc “bất di bất dịch” là “những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau”.
Liên quan đến vụ Huỳnh Văn Nén xảy ra tại Bình Thuận, là vụ án oan sai nghiêm trọng, được báo chí đăng tải với mật độ lớn suốt một thời gian dài là một trong những bài học kinh nghiệm cho ngành tòa án, cũng là động lực để toàn ngành cải cách triệt để quy trình xét xử và cụ thể là Nghị quyết về áp dụng án lệ chính là một trong những nỗ lực cụ thể nhất.
Ngoài vụ Huỳnh Văn Nén, theo PGS.TS Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa Luật Dân sự (ĐH Luật TP HCM) ngay cả những vụ việc được đưa vào Dự thảo “mẫu án lệ” của Viện Pháp chế và Quản lý Khoa học cũng có những vấn đề còn phải tranh luận.
Chẳng hạn, vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa Vietcombank và Công ty CP được phẩm KAOLI chưa thể coi là một mẫu án lệ vì hai vấn đề pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử được giải quyết trong án lệ đều có vấn đề cần phải làm rõ.
“Trọng vụ án này, nếu đưa vào án lệ rằng hợp đồng thế chấp ký kết sau Hợp đồng tín dụng thì tài sản thế chấp không bảo đảm cho khoản vay trong Hợp đồng tín dụng. Nếu quy định như thế này thì các ngân hàng trong nước sẽ chết yểu hoàn toàn” - chuyên gia về án lệ, PGS.TS Đỗ Văn Đại khẳng định.
Từ bất cập như nêu trên, nhiều người bày tỏ lo ngại nếu cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo án lệ (Viện KSND Tối cao giao cho Viện Pháp chế và Quản lý khoa học thuộc Viện này) không có kinh nghiệm chuyên môn và kỹ thuật soạn thảo thì sẽ rất nguy hiểm và thậm chí sẽ có phản ứng ngược từ người dân khi áp dụng án lệ đại trà.
Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Đại, tính chất nghiêm trọng khi xảy ra sai sót trong mẫu án lệ sẽ rất khó lường trên thực tế, do đó phải đặc biệt thận trọng và không thể nóng vội.
“Tôi nói ngay như vụ việc đơn giản là các mẫu án lệ còn để tên của các nguyên đơn và bị đơn. Chẳng hạn các bị đơn cho rằng nếu việc vụ án của mình (đã được tòa án giải quyết và đã thi hành án) cứ bị đưa ra làm ví dụ hoài trên mặt báo, truyền hình thì sẽ gây ảnh hưởng hàng ngày hàng giờ đến uy tín, danh dự, hoạt động kinh doanh của họ. Lúc này, họ có quyền kiện lại cơ quan soạn thảo mẫu án lệ” - Trưởng khoa Luật Dân sự thuộc Đại học Luật TP HCM nêu.
Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn cũng nhìn nhận, việc áp dụng án lệ không thể vội được vì nếu không có chuyên môn và kỹ thuật cao để soạn thảo mẫu án lệ thì khi áp dụng sẽ gây hậu quả ngược và khiến người dân bức xúc.
Theo thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn, các mẫu án lệ phải đạt chuẩn mực cao nhất. Nghĩa là trên thực tế thì tòa án các cấp có thể căn cứ vào đó một cách dễ dàng trong quá trình giải quyết các vụ án. Chẳng hạn, các mẫu án lệ phải có số, ngày, vụ việc cụ thể và khi áp dụng án lệ trong xét xử thì tòa án không cần phải nhắc lại vụ án đó nữa (mà chỉ công bố số án lệ). Thêm vào đó, các thẩm phán cũng e ngại việc rút ra vấn đề pháp lý sau khi áp dụng án lệ cũng không hề đơn giản.
“Nếu rút ra mà trật thì rất là nguy hiểm hoặc nếu không cẩn thận trong áp dụng thì sau này rất dễ dẫn tới “lệ lớn hơn luật” hoặc mai mốt có khi phải xây dựng thêm cả “án lệ của án lệ” thì cũng rất gay go” - thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn bày tỏ.
Theo nhiều chuyên gia, việc áp dụng án lệ theo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao (có hiệu lực từ 16/12/2015) là phù hợp với thực tế công tác xét xử hiện nay tại Việt Nam, cần sớm được áp dụng.