Không bao che cho những sai phạm

Trần Ngọc Kha (thực hiện) 29/10/2015 10:03

Trước việc một số người tự mệnh danh là “Con Giời”, “Bà chúa Năm”, “Cô Phú”... và xưng là thành viên hoặc học trò của các đơn vị nghiên cứu của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) như Liên hiệp Khoa học công nghệ UIA, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, quảng bá có thể chữa được bách bệnh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của VUSTA.

Không bao che cho những sai phạm

TS Phạm Văn Tân.

Xin ông cho biết thực chất hoạt động của những thành viên mang những cái tên rất đặc biệt, liên quan đến ngoại cảm, tiềm năng con người có gắn với tổ chức trực thuộc của VUSTA?

TS Phạm Văn Tân: Trong hệ thống của VUSTA có đến hơn 800 đơn vị hình thành và hoạt động theo Luật Khoa học và công nghệ và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật như Nghị định 35, 81, 08 của Chính phủ. Trong đó có một vài đơn vị liên quan đến tâm linh, ngoại cảm như Liên hiệp UIA, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người và Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người. Đây là nơi tập hợp nhiều nhà khoa học có chuyên môn sâu trong nhiều lĩnh vực.

Trong quá trình nghiên cứu, qua dân gian truyền tụng, họ đã phát hiện nhiều con người có những khả năng đặc biệt. Nhiều đối tượng có những khả năng khó giải thích được như bà Hằng liên quan đến ngoại cảm, bà Phú liên quan đến chữa bệnh bằng xoa bóp, bà Thiêm có con mắt thứ ba,...

Trong thời gian gần đây, báo chí có phản ánh một số hiện tượng khác thường nếu như không nói là sai phạm của một số cá nhân như bà Phú ở Sông Công, Thái Nguyên, bà Mai ở Bát Tràng, Hà Nội chữa bệnh bằng phương pháp tâm linh. Quan điểm của ông về những trường hợp này như thế nào?

- Các đối tượng như thế này chưa bao giờ được các đơn vị nói trên của VUSTA có chủ trương quản lý hay đào tạo. Họ chỉ là những đối tượng nghiên cứu của các tổ chức này. Tuy nhiên sau khi bằng cách nào đó tạo dựng được chút uy tín với một bộ phận công chúng, họ thường muốn gắn với tên tuổi của các đơn vị này, là người của bên này, bên kia để lấy thêm thanh thế.

Trong số đó, không loại trừ có những người không có khả năng nhưng vẫn lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi. Quan điểm của VUSTA là mọi đơn vị thành viên phải thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được ghi trong điều lệ hoạt động và giấy đăng ký hoạt động và phải lập hồ sơ theo dõi các đối tượng hợp tác.

Ông thừa nhận trong xã hội có những người có những khả năng “khó giải thích”. Liệu có thể cho rằng đó là lý do để các đơn vị như đề cập ở trên về ngoại cảm và tâm linh còn tồn tại trong VUSTA?

- Các đơn vị này được Nhà nước cấp phép và đã thực hiện một số nhiệm vụ nghiên cứu được các cơ quan có thẩm quyền giao. Về khuôn khổ pháp lý thì họ tuân thủ đúng pháp luật nên không có lý do gì khiến chúng tôi phải cân nhắc lại về sự tồn tại của các tổ chức này hiện nay. Mặt khác, trong xã hội, đâu đó cũng có những người, có những nơi có những khả năng như tôi đã nói ở trên rất khó giải thích, như bà Nguyễn Thị Thiêm ở Hoà Bình có thể vẫn đọc được báo mặc dù hai mắt bịt kín.

Hay như khả năng chữa bệnh khi đến khu vườn ở Đức Lập Thượng, tỉnh Long An chỉ rộng khoảng 2000m2 từng thu hút hàng nghìn người kéo đến đây hy vọng được cứu chữa bệnh tật. Các nhà khoa học từng mang máy móc vào đó đo bức xạ, khảo sát nguồn nước ở đó. Kết quả khảo sát họ thừa nhận tiềm năng. Với những trường hợp tương tự này, liệu chúng ta có thể dễ dàng nói không với họ?

Tại UIA, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người cũng như tại Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, có nhiều người đang giữ trọng trách ở đây rất có uy tín trong xã hội như ông Đào Vọng Đức, Phạm Minh Hạc, ông Phan Anh, Thiếu tướng Ngô Tiến Quý, Thiếu tướng Chu Phác, Nguyễn Phúc Giác Hải,... Nhưng không vì thế mà chúng tôi có thể “châm chước” cho các đơn vị này nếu họ có sai phạm.

Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không bao che cho những sai phạm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO